Số ca nhiễm Ebola mới có thể tăng lên 10.000 mỗi tuần vào cuối năm nay nếu thế giới không đẩy mạnh nỗ lực đối phó. Đó là cảnh báo được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra hôm 14-10 trong bối cảnh số người tử vong vì Ebola đã tăng lên ít nhất 4.447 người.
Đáng lo hơn, theo TS Bruce Aylward, trợ lý tổng giám đốc WHO, tỉ lệ tử vong của Ebola đã tăng từ 50% lên 70% và dịch bệnh có thể trở nên tồi tệ hơn trước khi tình hình được cải thiện.
Một thi thể nạn nhân Ebola được đưa đi tại thủ đô Freetown của Sierra Leone hôm 14-10
Ảnh: REUTERS
Cùng ngày, ông Anthony Banbury, người đứng đầu Phái bộ phản ứng với Ebola của Liên Hiệp Quốc (LHQ), cảnh báo thế giới đang thua trong cuộc đua khống chế dịch. “Dịch đang giành chiến thắng trong cuộc đua. Mỗi ngày lại có thêm nhiều người nhiễm bệnh, số ca nhiễm tăng theo cấp lũy thừa. Số người nhiễm bệnh càng cao thì chúng ta càng khó kiểm soát dịch” - ông Banbury phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ hôm 14-10.
Theo đài BBC, quan chức này tiếp tục kêu gọi các nước tăng cường hỗ trợ tiền để lập các trung tâm điều trị ở Tây Phi và đưa thêm nhân viên đến hỗ trợ. LHQ gần đây phàn nàn chỉ nhận được 25% trong khoản tiền 1 tỉ USD cần thiết để đối phó dịch Ebola.
Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng thừa nhận thế giới chưa làm đủ để khống chế mối đe dọa Ebola khi ông họp bàn qua video với các nhà lãnh đạo Anh, Pháp, Đức, Ý hôm 15-10. Cuộc họp diễn ra một ngày sau khi nhà chức trách Mỹ thông báo nhân viên y tế thứ hai tại bang Texas có kết quả dương tính với Ebola trong cuộc xét nghiệm ban đầu. Cuộc xét nghiệm thứ hai sẽ được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) tiến hành trước khi cho kết luận cuối cùng.
Với danh tính và giới tính chưa được tiết lộ, người này cũng từng chăm sóc bệnh nhân Ebola người Liberia Thomas Duncan như nữ y tá gốc Việt Nina Pham, người đầu tiên bị lây nhiễm Ebola ở Mỹ. Các bác sĩ tại bệnh viện Texas Health Presbyterian ở TP Dallas cho biết sức khỏe của Nina đang tiến triển tốt và cô gái 26 tuổi này cũng khẳng định mình vẫn khỏe.
Lo ngại dịch bệnh lây lan, Mỹ đã thiết lập một đội phản ứng nhanh nhằm hỗ trợ các bệnh viện mỗi khi có ca nhiễm Ebola mới. Giám đốc CDC Thomas Frieden cho biết nhóm của trung tâm sẽ có mặt trong vòng vài giờ nếu một ca nhiễm Ebola được xác nhận.
Bình luận (0)