Có nhiều tiền cũng chưa chắc tìm được một chỗ an nghỉ cuối đời là thực trạng chung tại Hồng Kông giữa lúc nhà chức trách xem xét dự luật mới yêu cầu ngừng hoạt động các nhà để tro hỏa táng tư nhân hoạt động không phép.
Chờ vận may “trúng số”
Đối mặt thực trạng trên, các nhà hoạt động đang kêu gọi cải thiện cơ hội tiếp cận những nhà để tro hỏa táng công cộng. Nhà hoạt động Eddie Tse Sai-kit nhận định hệ thống xổ số hiện nay, dùng để phân bổ nơi đặt bình tro cốt tại cơ sở công cộng, không công bằng bởi những người chỉ mới gia nhập danh sách chờ lại có cơ hội ngang ngửa với những người đã đợi lâu nay. Theo ông, hệ thống cần được cải thiện để những người chờ lâu hơn có cơ hội “trúng số” cao hơn.
Theo dự luật trên, người dân chỉ có thể đặt bình tro cốt người thân ở những cơ sở tư nhân được cấp phép, ước tính chỉ chiếm khoảng 30 trong số 153 cơ sở đang hoạt động. Chủ tịch trọn đời của Hiệp hội Doanh nghiệp tang lễ, ông Ng Yiu-tong, cảnh báo khoảng 300.000 bình tro cốt tại các cơ sở không phép sẽ phải chuyển đi chỗ khác nếu dự luật được thông qua. Khi đó, rất khó tìm chỗ thay thế bởi giá cao tại các cơ sở có phép và sự hạn chế của cơ sở công cộng.
Vì thế, ông Ng kêu gọi dành thời gian 6 năm cho việc chấm dứt dần hoạt động tại các cơ sở không phép sau khi dự luật được thông qua để các cơ sở này xin giấy phép hoặc người dân có thêm thời gian di dời các bình tro cốt. “Thật bất hợp lý khi buộc người dân phải chi số tiền đủ mua một căn hộ để mua một chỗ đặt bình tro cốt” - ông Tse phàn nàn trên một chương trình của đài phát thanh truyền hình RTHK.
Chi phí đắt đỏ
Có thể hiểu được bức xúc của ông Ng bởi giá mua một hốc đặt bình tro cốt tại cơ sở tư nhân đắt đỏ đến khó tin ở Hồng Kông. Những người hoạt động trong ngành công nghiệp này cho biết mức giá phổ biến của một chỗ như thế khoảng 0,5 triệu HKD (khoảng 1,5 tỉ đồng). Cá biệt, 3 hốc tại một cơ sở ở quận Sha Tin vừa được rao bán với giá lên đến 3,5 triệu HKD/chỗ.
Tại cơ sở công, người dân chỉ phải bỏ ra khoảng 4.000 HKD cho một chỗ đặt bình tro cốt - một yếu tố khiến nhu cầu tăng cao nhưng lượng cung lại rất hạn chế. Một báo cáo năm ngoái cho thấy chỉ trong số 24 nhà để tro hỏa táng công cộng được lên kế hoạch phát triển trong năm 2010 và 2011, chỉ mới có 2 cơ sở hoàn thành, cung cấp thêm khoảng 2.540 chỗ. Trong khi đó, người ta dự báo sẽ có ít nhất 220.000 trường hợp hỏa táng dự kiến diễn ra trong vài năm tới.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), một người đã gọi đến chương trình của RTHK để than thở ông đã tham gia chương trình xổ số với hy vọng có một chỗ đặt bình tro cốt của cha mình ở cơ sở công cộng nhưng vẫn tay trắng trong 8 năm trời. Sau đó, ông buộc phải đặt bình tại một cơ sở tư nhân không phép. Một người khác than phiền tro cốt của ông bà mình được đặt ở chùa Tsuen Wan hơn 30 năm nhưng gần đây nhận được thông báo chùa không còn được phép làm thế. “Chính quyền bất ngờ bảo chúng tôi di dời các bình tro cốt của ông bà đi nơi khác nhưng không cho biết phải đi đâu” - người này bức xúc.
Đắt ngang giá nhà
Tại Hồng Kông, cơn sốt bất động sản không chỉ ảnh hưởng người sống mà cả người đã khuất. Một số cơ sở tư nhân thậm chí tính hơn 1 triệu HKD cho một hốc đặt bình tro cốt chỉ rộng cỡ tờ giấy A4. Với số tiền này, theo trang Asia Times, người ta có thể mua được một căn hộ ở trung tâm thủ đô Tokyo - Nhật Bản, ngôi nhà ở vùng nông thôn Ý, căn hộ 1 phòng tại một khu nghỉ dưỡng ven biển trên đảo Bali - Indonesia hay nhà thuyền ở thủ đô London - Anh.
Cốt lỗi vấn đề là cung không đủ cầu. Chính quyền Hồng Kông ước tính sẽ thiếu khoảng 398.145 hốc đặt bình tro cốt vào năm 2023. Nhà chức trách và các công ty cá nhân đang dự định bổ sung thêm hàng trăm ngàn chỗ mới tại hàng chục địa điểm. Điều trớ trêu là nhiều kế hoạch bị đình trệ bởi làn sóng phản đối của người dân. Lý do chủ yếu là không nhiều người muốn sống gần một nơi đặt bình tro cốt như thế.
Bình luận (0)