Trong khi đó, nhiệt độ ở thủ đô New Delhi - Ấn Độ có lúc tăng hơn 44 độ C. Thống kê của Bộ Khoa học Trái đất Ấn Độ cho biết nước này có đến 4.620 trường hợp tử vong vì nắng nóng trong 4 năm qua.
Con số này có nguy cơ tiếp tục tăng khi một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Science Advances (Mỹ) mới đây cho thấy khả năng Ấn Độ đối mặt một đợt nóng chết người hiện cao gấp 2,5 lần so với nửa thế kỷ trước khi nhiệt độ trung bình của nước này tăng thêm 0,5 độ C.
"Nhiệt độ sẽ ngày càng tăng, tất nhiên các đợt nóng sẽ khiến nhiều người tử vong" - nhà khí tượng học Omid Mazdiyasni tại Trường ĐH California (Mỹ), người dẫn đầu nhóm thực hiện nghiên cứu trên, cảnh báo với AP. Tương tự, ông Amir AghaKouchak, nhà khí hậu học ở Trường ĐH California và là đồng tác giả nghiên cứu, nói nhiều người cho rằng nhiệt độ tăng thêm 1-2 độ C là không đáng kể nhưng những thay đổi nhỏ này có thể gây ra nhiều đợt nắng nóng và tử vong hơn nữa. Đặc biệt, nhiệt độ thế giới được dự báo sẽ tăng cao hơn nhiều vào cuối thế kỷ này.
Người dân địa phương tắm sông ở ngoại ô TP Ahmedabad - Ấn Độ Ảnh: AP
Tình trạng nắng nóng tại Đông Nam Á cũng nghiêm trọng không kém, nhất là khi nó chịu sự tác động của cả hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu. Theo một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Nature Communications (Mỹ) đầu tuần này, đợt nắng nóng khắc nghiệt ở Đông Nam Á hồi tháng 4-2016 đã phá vỡ kỷ lục về nhiệt độ ở khu vực và gây hại cho sức khỏe cộng đồng.
Sau khi nghiên cứu, các nhà khoa học cho rằng thời tiết khắc nghiệt nói trên xảy ra phần lớn do tác động của hiện tượng El Nino mạnh mẽ và tình trạng biến đổi khí hậu. Theo tính toán, El Nino chiếm 49% ảnh hưởng đối với hiện tượng nắng nóng khắc nghiệt vừa nêu trong khi tình trạng toàn cầu ấm dần lên chiếm 29% và phần còn lại đến từ một số yếu tố chưa rõ khác.
Tháng 4 thường là tháng nóng nhất ở Đông Nam Á nhưng nhiệt độ trong tháng này trở nên cực đoan hơn trong thế kỷ qua. Ông Kaustubh Thirumalai, chuyên gia tại Viện Địa Vật lý Austin thuộc Trường ĐH Texas (Mỹ) và là người đứng đầu cuộc nghiên cứu, cảnh báo những đợt nắng nóng kinh hoàng như hồi tháng 4-2016 sẽ xuất hiện thường xuyên hơn trong tương lai.
Do sự kết nối mạnh mẽ giữa nhiệt độ trong tháng 4 và El Nino, các nhà nghiên cứu gợi ý nên giám sát chặt chẽ hơn những yếu tố liên quan đến El Nino (như nhiệt độ bề mặt nước biển) để dự báo tốt hơn. Tuy nhiên, ông Friederike Otto, Phó Giám đốc Viện Biến đổi môi trường thuộc Trường ĐH Oxford (Anh), tỏ ra thận trọng với phương pháp này bởi trái đất ngày càng nóng lên và tác động mạnh hơn đến nhiệt độ ở Đông Nam Á.
Bình luận (0)