Chưa hết, WHO cho biết đang tiến hành phân tích một biến thể xuất phát từ vùng Amazon của Brazil và vừa bị phát hiện ở Nhật Bản. Ủy ban trên sẽ đưa ra khuyến nghị sau cuộc họp trong bối cảnh số ca Covid-19 trên thế giới vượt mốc 92 triệu và số ca tử vong tiếp cận mốc 2 triệu, theo trang worldometers.info.
Cùng ngày, theo Reuters, một nhóm nhà khoa học quốc tế do WHO đứng đầu đã đến TP Vũ Hán - Trung Quốc để điều tra nguồn gốc của virus SARS-CoV-2. Chuyến đi này diễn ra giữa lúc nước chủ nhà chứng kiến sự bùng phát trở lại của dịch bệnh và ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên trong 8 tháng.
Giới chức y tế Trung Quốc cho biết việc tiêm vắc-xin Covid-19 cho công chúng dự kiến bắt đầu vào dịp Tết nguyên đán bắt đầu từ ngày 12-2. Truyền thông địa phương cho biết tính đến ngày 9-1, đã có hơn 9 triệu liều vắc-xin được tiêm cho những người có nguy cơ cao, như nhân viên y tế, người làm trong ngành công nghiệp chuỗi cung ứng lạnh, giao thông vận tải công cộng…
Giới chức y tế nhấn mạnh vẫn chưa có trường hợp phản ứng khác thường nghiêm trọng nào được báo cáo cho đến nay.
Vắc-xin Covid-19 được lưu trữ tại TP Pune - Ấn Độ hôm 12-1 Ảnh: Reuters
Là quốc gia có số ca Covid-19 nhiều thứ 2 thế giới (sau Mỹ), Ấn Độ dự kiến vào ngày 16-1 bắt đầu chiến dịch tiêm chủng cho người dân. Theo đài CNBC, nước này đặt mục tiêu tiêm chủng cho 300 triệu người (hơn 20% dân số) trong giai đoạn đầu tiên của chiến dịch, trong đó ưu tiên những người làm việc ở tuyến đầu chống dịch, người từ 50 tuổi trở lên…
Trước đó, nhà chức trách Ấn Độ đã thông qua việc sử dụng khẩn cấp 2 loại vắc-xin Covid-19, gồm loại của Trường ĐH Oxford (Anh) và Công ty AstraZenexa (Anh - Thụy Điển) và một loại được phát triển trong nước.
Trong khi đó, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Philippines hôm 14-1 đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc-xin Covid-19 do hãng dược Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức) phối hợp phát triển.
Ông Rolando Enrique Domingo, Giám đốc cơ quan này, cho biết vắc-xin Pfizer-BioNTech có thể được sử dụng cho người từ 16 tuổi trở lên. Ngoài ra, ông Domingo cho biết thêm Manila đang xem xét cấp phép tương tự đối với vắc-xin do Công ty Công nghệ sinh học Sinovac (Trung Quốc) phát triển.
Bình luận (0)