Theo tờ The Straits Times (Singapore), một số thành viên nội các, nhà lãnh đạo tôn giáo và người có ảnh hưởng cũng được tiêm vắc-xin CoronaVac do Công ty Dược phẩm sinh học Sinovac Biotech (Trung Quốc) sản xuất trong nỗ lực khuyến khích công chúng tiêm chủng. Indonesia hy vọng vắc-xin Covid-19 sẽ giúp họ thoát khỏi cuộc khủng hoảng y tế đã khiến hơn 846.000 người mắc bệnh và 24.600 ca tử vong cho đến nay.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo được tiêm vắc-xin Covid-19 hôm 13-1 Ảnh: Reuters
Theo Bộ Y tế Indonesia, giai đoạn đầu tiên của chiến dịch diễn ra từ tháng 1 đến tháng 4-2021, ưu tiên các nhóm có nguy cơ cao, như nhân viên y tế..., tại toàn bộ 34 tỉnh. Sau đó, đến lượt người dân được tiêm phòng. Chính phủ Indonesia hy vọng sẽ tiêm vắc-xin Covid-19 cho khoảng 70% dân số để đạt được miễn dịch cộng đồng trong 15 tháng tới. Dù vậy, một số chuyên gia y tế nhận định đây là thời gian biểu quá tham vọng và không thực tế, đồng thời thắc mắc về hiệu quả của vắc-xin. Ngoài ra, việc phân phối vắc-xin tại Indonesia không phải dễ bởi giao thông và cơ sở hạ tầng còn hạn chế. Các quan chức y tế đặc biệt lo ngại chuyện bảo quản vắc-xin ở điều kiện nhiệt độ cần thiết (từ 2,2 đến 7,7 độ C) để duy trì tính an toàn và hiệu quả của nó.
Cơ quan Giám sát thực phẩm và dược phẩm Indonesia (BPOM) vào đầu tuần này đã cấp phép sử dụng khẩn cấp CoronaVac dựa trên dữ liệu tạm thời với mức hiệu quả là 65,3%, cao hơn ngưỡng 50% của Tổ chức Y tế thế giới. Indonesia đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 của vắc-xin này trên 1.620 tình nguyện viên ở TP Bandung, tỉnh Tây Java. Một số nước Đông Nam Á như Thái Lan và Malaysia đã đặt mua vắc-xin của Sinovac nhưng chưa có kế hoạch tiêm phòng. Philippines cũng đặt mua 25 triệu liều vắc-xin của Sinovac và Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Philippines vẫn đang đánh giá tiến trình thử nghiệm giai đoạn cuối của vắc-xin này.
Bình luận (0)