Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Kajiyama Hiroshi nhấn mạnh an ninh năng lượng của quốc gia này phụ thuộc vào an ninh năng lượng của các nước trên khắp châu Á, đồng thời khẳng định Tokyo hy vọng có thể đóng vai trò đầu tàu giúp các nền kinh tế mới nổi trong khu vực cắt giảm phát thải khí nhà kính.
"Chúng ta cần hợp tác và thành lập cơ chế thu hút đầu tư cũng như các nguồn tài trợ để bảo đảm không quốc gia nào ở châu Á bị bỏ lại phía sau" - Bộ trưởng Kajiyama tuyên bố tại hội nghị cấp bộ trưởng Đối tác Tăng trưởng xanh châu Á (AGGP) vào tuần rồi.
Báo The Straits Times ngày 10-10 cho biết Tokyo đã chi 10 tỉ USD cho Sáng kiến chuyển dịch năng lượng châu Á (AETI) để giúp Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Trung Á và Trung Đông cắt giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Hội nghị nêu trên là một trong những nhiệm vụ cuối cùng của Bộ trưởng Kajiyama trước khi người kế nhiệm Koichi Hagiuda tuyên thệ nhậm chức trong chính phủ mới của tân Thủ tướng Kishida Fumio - người cam kết đẩy nhanh tiến trình chuyển dịch xanh của Nhật Bản, vốn được khởi động dưới thời người tiền nhiệm Suga Yoshihide.
Bên trong nhà máy sản xuất xe điện Ariya của Tập đoàn Nissan tại tỉnh Tochigi - Nhật Bản hôm 8-10 Ảnh: REUTERS
Nhật Bản từ lâu bị cáo buộc "nghiện" than đá nhưng với sức ép gia tăng của cộng đồng quốc tế, nền kinh tế số 3 thế giới đã cam kết đạt trung hòa carbon đến năm 2050 và cắt giảm mức phát thải khí nhà kính thêm ít nhất 46% đến cuối thập kỷ này so với hồi năm 2013.
Bộ trưởng Kajiyama cho rằng các nước cần xem xét "nhiều phương án khác nhau, như năng lượng hạt nhân, hydrogen và ammonia, để thúc đẩy chuyển dịch xanh một cách thiết thực". Ngoài cam kết "theo đuổi mọi phương án" nhằm hướng đến "phát thải ròng bằng 0", Tokyo còn ra cam kết mạnh mẽ liên quan đến công nghệ xanh.
Thống đốc Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) Haruhiko Kuroda hồi giữa tuần rồi thông báo kế hoạch cho vay không lãi suất đối với các tổ chức tài chính đầu tư giải quyết biến đổi khí hậu.
Trong khi đó, theo báo The Manila Times, Trung Quốc và các nước Đông Nam Á đã bắt đầu xúc tiến quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, với phương châm "tránh xa nhiên liệu hóa thạch" là giải pháp tốt nhất để bảo vệ môi trường.
Các nhà sản xuất Phương tiện năng lượng mới của Trung Quốc (NEV) đang tăng tốc ra mắt những mẫu xe mới nhất của họ ở thị trường nước ngoài giữa lúc ngành công nghiệp ôtô toàn cầu đang chuyển dịch sang xu hướng carbon thấp.
Với chính sách ưu ái dành cho các ngành công nghiệp như vậy, châu Âu đang trở thành khu vực được nhiều nhà sản xuất xe điện (EV) của Trung Quốc chọn làm điểm ra mắt sản phẩm đầu tiên.
Tại Philippines, quá trình chuyển đổi xanh cũng đang được đẩy nhanh với việc Tập đoàn quốc doanh Clark Development Corp. (CDC) phát triển một cơ sở rộng 1 ha thành công viên sinh thái. Theo Giám đốc CDC Rogelio Magat, dự án này được chia làm 3 giai đoạn, dự kiến hoàn thiện vào năm 2023. Dự án sẽ bao gồm hệ thống năng lượng mặt trời, hệ thống thu hoạch nước thải sinh hoạt, hệ thống chiếu sáng bằng đèn Led cùng vườn ươm các loài cây đặc hữu và bản địa...
Bình luận (0)