Những người ủng hộ ngành công nghiệp dầu mỏ và than đá đã sử dụng cuộc khủng hoảng năng lượng ở nước ngoài và tình trạng giá xăng leo thang ở Mỹ để chống lại kế hoạch ứng phó biến đổi khí hậu của Tổng thống Joe Biden, đặc biệt là với tham vọng chuyển dịch năng lượng tái tạo nhanh chóng.
Họ nhấn mạnh tình thế tiến thoái lưỡng nan ở châu Âu lúc này là điềm báo cho những gì có thể xảy ra tại Mỹ nếu hoạt động sử dụng nhiên liệu hóa thạch bị hạn chế đột ngột.
Đối mặt với sự phản đối từ các thành viên ôn hòa của Đảng Dân chủ, Nhà Trắng hiện thương lượng về việc cắt giảm quy mô của một dự luật chi tiêu xã hội gồm nhiều điều khoản khí hậu đáng chú ý, trong đó hàng trăm tỉ USD ưu đãi thuế năng lượng tái tạo.
Theo một vài lãnh đạo trong ngành công nghiệp dầu mỏ, khủng hoảng năng lượng châu Âu đã cho thấy rủi ro tiềm ẩn từ yêu cầu chuyển dịch năng lượng tái tạo quá nhanh, trước khi thực hiện những bước đi thiết yếu nhằm cải tạo điện lưới, tăng cường dự trữ năng lượng và củng cố hệ thống năng lượng mặt trời, gió.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trong chuyến thăm Phòng thí nghiệm Năng lượng tái tạo quốc gia (NREL) ở TP Arvada - Mỹ hôm 14-9 Ảnh: REUTERS
Tại châu Âu, giới chuyên gia cảnh báo Liên minh châu Âu (EU) có thể gặp khó khăn trong nỗ lực thúc đẩy chương trình nghị sự xanh giữa lúc giá khí đốt tăng mạnh trong khu vực. Hội đồng châu Âu (EC) cam kết đạt trung hòa carbon đến năm 2050 thông qua một kế hoạch cụ thể nhằm cắt giảm mức phát thải nhà kính thêm ít nhất 55% đến cuối thập kỷ này, so với giai đoạn 1990.
Tuy nhiên, tham vọng này có thể bị ảnh hưởng vì tình hình hiện tại, đặc biệt là khi một vài nhà lãnh đạo châu Âu đã quy trách nhiệm đợt khủng hoảng này cho EU.
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki tháng rồi khẳng định giá năng lượng tại quốc gia của ông tăng do các chính sách khí hậu của khối, theo báo Politico. Không lâu sau tuyên bố này, Ba Lan thông báo sẽ duy trì hoạt động của một mỏ than, bất chấp động thái này đi ngược lại phán quyết của Tòa án Công lý châu Âu (ECJ).
Ông Frans Timmermans, người đứng đầu chính sách khí hậu của EU, khẳng định giá nhiên liệu tăng không phải do lỗi của khối này, quả quyết rằng: "Chỉ khoảng 20% mức tăng liên quan đến chính sách tăng giá khí thải CO2. Phần còn lại chỉ đơn thuần là thị trường thiếu nguồn cung".
Cũng theo ông Timmermans, nếu châu Âu đạt được "thỏa thuận xanh" sớm hơn 5 năm, họ đã không phải đối diện với tình cảnh hiện tại vì không phải phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch và khí đốt tự nhiên.
Bình luận (0)