Một số nguồn tin hôm 23-2 tiết lộ máy bay này đã đến miền Bắc Na Uy, nơi chất đồng vị phóng xạ Iodine-131 được ghi nhận đầu tiên và giờ xuất hiện ở Ba Lan, Cộng hòa Czech, Đức, Pháp và Tây Ban Nha.
Các trạm chất lượng không khí ở châu Âu phát hiện dấu vết của chất đồng vị phóng xạ Iodine-131 từ hồi tháng 1. Tuy nhiên, hàm lượng Iodine-131 tăng lên bất thường trong 2 tuần qua, đặc biệt là ở Na Uy, Phần Lan, Ba Lan. Chuyên gia Astrid Liland, trưởng phòng ứng phó khẩn cấp tại Cơ quan Bảo vệ Phóng xạ Na Uy (NRPA), thừa nhận không dễ xác định chính xác nguồn thải phóng xạ nhưng cho rằng nó có vẻ nằm ở Đông Âu.
NRPA cũng không loại trừ khả năng chúng xuất phát từ một sự cố tại một lò phản ứng hạt nhân, giống vụ nổ tại nhà máy điện hạt nhân Pháp EDF mới đây. Trong khi đó, trang news.com.au cho rằng Iodine-131 cũng có thể đã bị rò rỉ từ một cơ sở dược phẩm. Tuy nhiên, không có phòng thí nghiệm dược nào lên tiếng nhận trách nhiệm.
Một giả thuyết khác là Nga có thể đang thử nghiệm vũ khí hạt nhân ở Đông Âu hay tại quần đảo Novaya Zemlya gần Bắc Cực. Cũng có thông tin nghi ngờ Iodine-131 thất thoát từ tàu ngầm hạt nhân Nga triển khai tại Bắc Cực. Việc Mỹ triển khai máy bay WC-135 Constant Phoenix có thể bổ sung sức nặng cho giả thuyết này, nhất là khi quan hệ giữa Nga và phương Tây được đánh giá là đang căng thẳng không kém gì thời chiến tranh lạnh.
Tuy nhiên, Tổ chức Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBTO) đã gạt bỏ khả năng một vụ thử hạt nhân diễn ra gần đây. “Nếu một vụ thử nghiệm hạt nhân diễn ra, nó sẽ thải ra không chỉ Iodine-131 mà còn nhiều đồng vị phóng xạ khác. CTBTO chưa phát hiện mức đồng vị phóng xạ nào tương tự ở mức Iodine-131 tại châu Âu cho đến giờ” - tuyên bố của CTBTO nhấn mạnh.
Đồng vị phóng xạ Iodine-131 có chu kỳ phân rã trong 8 ngày. Viện Bảo vệ phóng xạ và an toàn hạt nhân Pháp (IRSN) trấn an rằng lượng Iodine-131 phát hiện trong không khí ở châu Âu không gây nguy hiểm đến sức khỏe người dân.
Bình luận (0)