Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim ngày 12-3 dọa sẽ trả đũa Hà Lan bằng những biện pháp cứng rắn nhất sau khi Bộ trưởng Các chính sách Xã hội và Gia đình Fatma Betul Sayan Kaya bị ngăn cản vào Lãnh sự quán Thổ Nhĩ Kỳ ở TP Rotterdam.
Hành động khiêu khích?
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim khẳng định: “Chúng tôi phản đối mạnh mẽ những động thái của chính quyền Hà Lan. Ankara sẽ trả đũa cứng rắn. Hành động gây sức ép đối với Thổ Nhĩ Kỳ và một bộ trưởng có quyền miễn trừ ngoại giao là không thể chấp nhận được”.
Theo ông Yildirim, bà Kaya có kế hoạch gặp các đại diện cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ tại đây để thông báo cho họ về cuộc trưng cầu hiến pháp sắp tới trong nước nhưng không có sự kiện nào diễn ra do gặp phải sự ngăn cản từ chính quyền Hà Lan.
“Những người bạn châu Âu của chúng ta thay phiên nhau nói về dân chủ và tự do ngôn luận nhưng lại không tôn trọng nhân quyền” - hãng tin Anadolu (Thổ Nhĩ Kỳ) trích lời ông Yildirim. Nhà lãnh đạo này còn kêu gọi những người Thổ Nhĩ Kỳ tại Hà Lan phớt lờ hành động khiêu khích và bỏ phiếu cho cuộc trưng cầu ý dân sắp tới.
Tuyên bố cứng rắn trên được đưa ra một ngày sau khi bà Kaya đến TP Rotterdam bằng đường bộ rồi bị cảnh sát Hà Lan tạm giữ và trục xuất sang Đức. Bà giải thích trên mạng xã hội Twitter rằng mình bị chặn tại nơi cách Lãnh sự quán Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 30 m.
Hàng trăm người hôm 11-3 đã biểu tình trước Lãnh sự quán Thổ Nhĩ Kỳ ở TP Rotterdam, yêu cầu được nhìn thấy bà Kaya. Cảnh sát Hà Lan đã dựng hàng rào kim loại và ngăn cản đám đông tiến gần lãnh sự quán khi người biểu tình ngày càng nhiều với sự tham gia của những người ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ đến từ Đức. Vòi rồng đã được sử dụng để giải tán đám đông khi cuộc biểu tình trở nên bạo lực sau đó.
Tranh cãi ngoại giao nêu trên bùng phát sau khi nhà chức trách Hà Lan hôm 11-3 từ chối để máy bay chở Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu hạ cánh vì lý do an ninh. Ông Cavusoglu dự định tổ chức một sự kiện tại Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Hà Lan nhằm vận động sự ủng hộ cho cuộc trưng cầu hiến pháp trong nước sắp tới.
Phản ứng trước động thái này, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã mô tả người Hà Lan là “những kẻ phát xít và tàn dư của Đức Quốc xã”. Đáp lại, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho rằng nhận định của ông Erdogan “vượt khỏi tầm kiểm soát”. Đầu tuần rồi, cũng vì lý do trên mà Đức bị ông Erdogan lên án là “hành xử giống như dưới thời Đức Quốc xã”.
Gia tăng bất đồng
Cuộc đối đầu giữa Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước châu Âu hiện nay xoay quanh cuộc trưng cầu ý dân dự kiến được Ankara tổ chức vào ngày 16-4. Nội dung cuộc trưng cầu là vấn đề thay đổi hiến pháp nhằm trao thêm quyền lực cho tổng thống. Nếu được thông qua, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có thêm quyền bổ nhiệm bộ trưởng, chuẩn bị ngân sách, chỉ định phần lớn thẩm phán cấp cao, ban hành sắc lệnh, tuyên bố tình trạng khẩn cấp, giải tán quốc hội…
Để có được kết quả như ý, Tổng thống Erdogan cần đến lá phiếu ủng hộ của cả công dân sống ở trong và ngoài nước. Hiện có khoảng 5,5 triệu người Thổ Nhĩ Kỳ sống ở nước ngoài, trong đó 1,4 triệu cử tri đủ tư cách bỏ phiếu đang sinh sống tại Đức. Vì thế, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã lên kế hoạch tiến hành một loạt cuộc tuần hành tại một số nước châu Âu nhằm lôi kéo sự hậu thuẫn của họ.
Chỉ có điều, nhiều nước như Hà Lan, Đức, Áo, Thụy Sĩ… đều nói không với kế hoạch trên. Lý do chính thức được đưa ra là nỗi lo an ninh. Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz khẳng định không hoan nghênh ông Erdogan tổ chức tuần hành trên lãnh thổ mình bởi điều này có thể gia tăng bất đồng và cản trở hội nhập.
Ngoài ra, theo đài BBC, nhiều quốc gia châu Âu còn “để bụng” phản ứng của Thổ Nhĩ Kỳ về cuộc đảo chính bất thành hồi tháng 7 năm ngoái. Riêng Đức đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ các vụ bắt giữ, thanh trừng hàng loạt sau đó với gần 100.000 công chức bị sa thải.
Bình luận (0)