Các đợt phong tỏa, quy định đeo khẩu trang và giãn cách xã hội để chống Covid-19 đã "hạ gục" bệnh cúm ở châu Âu vào mùa đông năm ngoái. Căn bệnh này thường khiến khoảng 650.000 người tử vong mỗi năm trên toàn cầu.
Tuy nhiên, việc các quốc gia nới lỏng phòng dịch đã tạo điều kiện cho virus cúm quay lại châu Âu từ giữa tháng 12 năm ngoái.
Số liệu của Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) cho thấy trong tuần cuối cùng của năm 2021, số bệnh nhân cúm phải nằm phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) trên toàn châu lục là 43 người.
Con số này rất thấp so với mức trước đại dịch - hơn 400 ca ICU mỗi tuần vào cùng giai đoạn năm 2018 - nhưng là sự tăng vọt so với năm ngoái khi chỉ có 1 ca nằm ICU trong cả tháng 12.
Người dân đeo khẩu trang qua lại trên con phố thương mại chính Ermou ở thủ đô Athens - Hy Lạp hôm 28-12-2021 Ảnh: REUTERS
Chuyên gia hàng đầu về cúm của ECDC, ông Pasi Penttinen, nhận định với Reuters rằng mùa cúm năm nay ở châu Âu có thể kéo dài bất thường đến tận mùa hè, thay vì chấm dứt vào tháng 5 như thường lệ, trong trường hợp các nước bỏ bớt các biện pháp phòng dịch Covid-19 hiện nay.
Vấn đề càng phức tạp khi chủng cúm trội trong năm nay nhiều khả năng là A/H3, vốn gây bệnh nặng ở người lớn tuổi và các kết quả kiểm tra gần đây cho thấy các loại vắc-xin hiện có "đều không tối ưu trước A/H3".
Theo ông Penttinen, cũng vì có quá ít người mắc cúm trong năm qua nên giới chức châu Âu chưa có đánh giá cuối cùng về loại vắc-xin cúm sắp được sử dụng.
Vắc-xin ngừa cúm được cập nhật mỗi năm để chống trả hiệu quả với những thay đổi của virus. Thành phần của chúng được giới chức châu Âu quyết định 6 tháng trước khi mùa cúm bắt đầu, dựa trên các chủng virus đang lây lan ở nửa bán cầu kia.
Bình luận (0)