Nghiêm trọng nhất là Bỉ, nơi Thủ tướng Charles Michel đệ đơn từ chức lên Quốc vương Philippe hôm 18-12 sau khi các đảng đối lập tại quốc hội khước từ lời kêu gọi ủng hộ chính phủ thiểu số của ông. Tranh cãi nổ ra do vị thủ tướng 42 tuổi ủng hộ thỏa thuận về di dân của Liên Hiệp Quốc, dẫn đến các cuộc biểu tình phản đối ở thủ đô Brussels hôm 16-12.
Trong khi đó, khoảng 10.000-15.000 người tập trung ở thủ đô Budapest - Hungary đêm 16-12 yêu cầu Thủ tướng Viktor Orban thu hồi đạo luật cho phép doanh nghiệp yêu cầu nhân viên làm thêm 400 giờ/năm. Đây là cuộc biểu tình lớn nhất Hungary trong 8 năm cầm quyền của Thủ tướng Orban. Kể từ khi được quốc hội thông qua hôm 12-12, ngày càng nhiều người dân phản đối "đạo luật nô lệ" này. Ngoài ra, dư luận còn phẫn nộ trước những hành động chống lại người vô gia cư và di dân của ông Orban.
Còn tại thủ đô Belgrade - Serbia, hàng ngàn người đã xuống đường cuối tuần qua để trút giận lên chính phủ sau vụ tấn công thô bạo khiến thủ lĩnh đảng cánh tả Serbia, ông Borko Stefanovic, bị thương nặng. Phe đối lập cho rằng chính những lời lẽ cứng rắn của Tổng thống Aleksandar Vucic đã tạo ra bầu không khí bạo lực dù ông cũng lên án vụ tấn công hồi cuối tháng 11 này và các thủ phạm đã bị bắt.
Cuộc biểu tình chống luật lao động mới ở Budapest - Hungary đêm 16-12. Ảnh: REUTERS
Mối quan ngại về chính phủ Thủ tướng Edi Rama cũng là một phần lý do dẫn đến làn sóng biểu tình tại nhiều địa phương của Albania. Nhiều người xuống đường phản đối tăng học phí, tình trạng nghèo tràn lan và giá xăng cao.
Đáng chú ý, nước Đức đã chứng kiến cuộc biểu tình đầu tiên ăn theo phong trào "Áo ghi-lê vàng" ở Pháp. Đây là phong trào do chính khách Sahra Wagenknecht thuộc cánh tả phát động ở TP Munich cuối tuần qua, thu hút khoảng 100-200 người. Tại Pháp, các cuộc biểu tình "Áo ghi-lê vàng" tiếp diễn vào cuối tuần rồi nhưng dường như mất đà sau những nhượng bộ của chính quyền Tổng thống Emmanuel Macron và vụ tấn công ở TP Strasbourg.
Trước những gì đang xảy ra, đài Deutsche Welle (Đức) đặt câu hỏi: Phải chăng bầu không khí trên đường phố châu Âu ngày càng nóng lên? "Phong trào chống đối ở châu Âu gia tăng khi tồn tại nhiều mối lo về sinh nhai. Dù vậy, điều chúng ta chứng kiến gần như khắp châu Âu lúc này là sự oán giận và nỗi lo lắng đang dâng cao" - nhà xã hội học Dieter Rucht nhận định với đài ZDF (Đức).
Bình luận (0)