Ngoại trưởng Latvia Edgars Rinkevics hôm 7-9 dự đoán hệ thống đi lại tự do theo Hiệp ước Schengen sẽ kết thúc nếu châu Âu không tìm được giải pháp cho cuộc khủng hoảng di cư hiện nay.
Khu vực Schengen lâm nguy
Nhà ngoại giao hàng đầu Latvia nhấn mạnh cuộc khủng hoảng có thể buộc các nước châu Âu khôi phục chế độ kiểm soát hộ chiếu trong khu vực Schengen - hiện gồm 26 quốc gia, trong đó có 22 nước Liên minh châu Âu (EU).
Theo hãng tin RIA Novosti, ông Rinkevics quả quyết nếu các nước không đồng thuận về giải pháp phân bổ người tị nạn khắp châu Âu, khu vực Schengen có thể bị hủy bỏ. Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng đưa ra nhận định tương tự.
Ngày 9-9, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker dự kiến công bố những đề xuất mới để phân bổ 160.000 người tị nạn đến các nước EU trên cơ sở bắt buộc. Không có nhiều dấu hiệu cho thấy đề xuất này sẽ nhận được sự ủng hộ của toàn bộ thành viên EU. Các nhà phân tích lo ngại nếu mỗi quốc gia đối phó bằng cách riêng, cuộc khủng hoảng di cư sẽ chỉ càng xấu đi.
Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết riêng ngày 7-9 đã có 7.000 người Syria đến Macedonia trong khi 30.000 người di cư hiện có mặt trên các đảo của Hy Lạp. Tại Hungary, khoảng 300 người di cư vượt qua hàng rào cảnh sát ở biên giới Hungary và Serbia đêm 7-9 để tiến về thủ đô Budapest nhằm tìm đường đến Đức và Áo. Cảnh sát Hungary buộc phải dùng hơi cay nhưng không chặn nổi những người này.
Cùng ngày 7-9, Hy Lạp kêu gọi EU giúp đỡ về tài chính để đối phó làn sóng tị nạn đang làm đảo Lesbos quá tải. Đan Mạch cũng bắt đầu “nóng” lên khi khoảng 800 người đi vào nước này để tìm đường đến Thụy Điển.
6.000 nông dân cần được hỗ trợ
Cuộc khủng hoảng di cư chưa có lối thoát, EU lại phải đau đầu trước tình cảnh nhiều nông dân thuộc khối này đang đứng trước ngưỡng cửa phá sản vì giá thực phẩm tụt dốc, chi phí sản xuất tăng cao và hậu quả từ lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm EU của Nga.
Tại cuộc họp khẩn cấp ngày 7-9, các bộ trưởng nông nghiệp EU đồng ý chi bổ sung 500 triệu euro cho nông dân. Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jyrki Katainen cho biết đây là quyết định thiết thực và phần lớn số tiền trên dành để hỗ trợ khu vực sản xuất sữa.
Bước đi trên diễn ra trong bối cảnh khoảng 6.000 nông dân, chủ yếu là người Bỉ, Pháp và Đức, xuống đường phản đối trước trụ sở Hội đồng EU ở thủ đô Brussels - Bỉ và yêu cầu được hỗ trợ. Nghiệp đoàn nông nghiệp Copa-Cogeca cho biết các nhà sản xuất nông sản EU khẳng định họ bị thiệt hại khoảng 6,13 tỉ USD do lệnh cấm thực phẩm của Nga.
Theo trang Sputnik, các nhà sản xuất sữa Estonia - bên bờ vực phá sản do lệnh cấm vận thực phẩm của Nga - sẽ biểu tình ở Tallinn hôm 14-9 để đòi chính phủ hỗ trợ khoảng 7,7 triệu USD. Thực tế là EU đang chi 50 tỉ euro mỗi năm để bù đắp những thiệt hại mà nông dân gánh chịu từ việc Nga cấm cửa nông sản châu Âu.
Chỉ cần chấm dứt chiến tranh
“Hãy giúp đỡ người dân Syria. Chỉ cần chấm dứt chiến tranh. Bọn cháu không muốn tới châu Âu” - lời nói của cậu bé Kinan Masalmeh với đài Al Jazeera bên ngoài một nhà ga xe lửa ở thủ đô Budapest - Hungary như xát muối vào trái tim người nghe.
Masalmeh chạy thoát khỏi TP Daraa - Syria cùng em gái. Thông điệp vỏn vẹn 45 giây của cậu bé 13 tuổi cũng là ước muốn của gần 4 triệu người Syria đang phải tha hương để trốn tránh các cuộc xung đột và khủng bố.
Hình ảnh thi thể cậu bé Syria Aylan Al-Kurdi (3 tuổi) nằm úp mặt trên một bãi biển ở Thổ Nhĩ Kỳ làm day dứt cả thế giới song không thể hạ nhiệt “chảo lửa” Syria. Chiến tranh leo thang từng ngày và dòng người di cư vì thế mà kéo dài như vô tận.
Phạm Nghĩa
Nước đóng, nước mở
Châu Âu đang chứng kiến sự chia rẽ sâu sắc xung quanh cách xử lý cuộc khủng hoảng di cư. Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel hôm 8-9 cho biết nước này đủ sức tiếp nhận ít nhất 500.000 người tị nạn/năm trong vài năm tới.
Trước đó một ngày, Thủ tướng Anh David Cameron nhượng bộ sức ép dư luận khi cam kết tiếp nhận 20.000 người tị nạn Syria trong 5 năm tới. Tương tự, Tổng thống Pháp Francois Hollande sẵn sàng mở cửa biên giới cho 24.000 người tị nạn. Bên ngoài châu Âu, trong khi Úc đang xem xét tiếp nhận thêm thì Brazil tuyên bố chào đón người tị nạn Syria.
Trái với thiện chí của những nước lớn trên, một số nước Trung Âu, như Hungary, Cộng hòa Czech, Slovakia, Ba Lan… cho đến giờ vẫn lắc đầu trước yêu cầu tiếp nhận thêm người tị nạn. Họ cho rằng phân bổ hạn ngạch là vô ích nếu biên giới bên ngoài EU không được bảo vệ.
Cuối tuần trước, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cảnh báo nếu thả lỏng biên giới, hàng chục triệu người tị nạn có thể kéo đến châu Âu. “Và rồi chúng ta sẽ trở thành thiểu số tại châu lục của chính mình” - ông Orban nói.
Ngoài lý do kinh tế không khấm khá, nhiều nước Đông và Trung Âu không muốn nhận người tị nạn theo đạo Hồi bởi e ngại tôn giáo này sẽ lấn lướt gốc rễ Thiên Chúa giáo của họ. Ông Tony Robinson, đồng Giám đốc Hãng Thông tấn quốc tế Pressenza, đúc kết với đài RT (Nga): “Các nước Đông Âu không cởi mở như Tây Âu nên họ sợ khi có quá nhiều người khác chủng tộc và tôn giáo nhập cư”.
Sự hào phóng của Đức có thể đến từ thực trạng dân số nước này dự kiến giảm mạnh. Theo đài BBC, hầu hết nhà kinh tế tin rằng làn sóng người nhập cư sẽ tiếp sức cho kinh tế Đức.
Dù vậy, bà Tina Fordham, Trưởng Bộ phận Phân tích chính trị toàn cầu của Ngân hàng Citigroup (Mỹ), cảnh báo đến lúc nào đó, nghĩa vụ phản ứng trước cuộc khủng hoảng nhân đạo sẽ chuyển thành mối lo về thất nghiệp và những vấn đề lâu dài mà người dân châu Âu phải đối đầu, như phúc lợi xã hội, xung đột về văn hóa và tôn giáo, an ninh…
Huệ Bình
Bình luận (0)