Tuyên bố của EC tránh đề cập trực tiếp tới Bắc Kinh, một đối tác thương mại lớn. Tuy nhiên, ủy ban này phản đối “các hành động đơn phương có thể thay đổi hiện trạng và làm gia tăng căng thẳng”.
Đây là dấu hiệu trên cho thấy EC lo ngại về hoạt động xây đảo nhân tạo phi pháp và quân sự hóa biển Đông của Trung Quốc.
“Liên minh châu Âu (EU) muốn nhìn thấy tự do hàng hải, hàng không được duy trì ở biển Đông và biển Hoa Đông. Khối lượng thương mại hàng hải quốc tế lớn đi qua khu vực và các chuyến bay có tầm quan trọng hàng đầu đối với EU. EU nên khuyến khích Trung Quốc đóng góp cho ổn định khu vực và hỗ trợ trật tự quốc tế dựa trên luật pháp” - EC nhấn mạnh.
Trung Quốc cải tạo trái phép đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: REUTERS
Trong khi Liên minh châu Âu tuyên bố trung lập về các tranh chấp ở biển Đông giữa Trung Quốc và một số quốc gia châu Á khác, Washington đã thúc giục Brussels lên tiếng chống lại tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh đối với hầu hết biển Đông.
Trong một dấu hiệu nữa chi thấy căng thẳng leo thang, một quan chức cấp cao Indonesia cho biết Tổng thống Joko Widodo sẽ tới quần đảo Natuna lần đầu tiên trong ngày 23-6 để khẳng định chủ quyền. Bắc Kinh trước đó khẳng định họ và Jakarta có “tuyên bố chủ quyền chồng lấn” tại vùng biển gần đó.
Cũng trong ngày 22-6, tờ Nhân dân Nhật báo (Trung Quốc) mạnh mẽ chỉ trích Washington về hành động triển khai 2 siêu tàu sân bay để tham gia một sứ mệnh huấn luyện ở Đông Á.
Các tàu USS John C. Stennis và USS Ronald Reagan bắt đầu thực hiện sứ mệnh chung tại vùng biển phía Đông Philippines cuối tuần trước. Quãng thời gian này được xem là nhạy cảm bởi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) dự kiến đưa ra phán quyết vụ Philippines kiện “đường lưỡi bò” của Trung Quốc vào ngày 7-7 tới.
Hai tàu sân bay USS John C. Stennis và USS Ronald Reagan đang làm nhiệm vụ hỗ trợ an ninh và ổn định ở Indo-Châu Á-Thái Bình Dương. Ảnh: REUTERS
“Mỹ đã chọn sai mục tiêu khi muốn giở trò với Trung Quốc. Đằng sau sự đánh giá sai lầm này là sự lo lắng và sự kiêu ngạo của Washington, thể hiện bản chất muốn làm bá chủ” – bài bình luận viết.
Theo Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ (PACOM), 2 tàu sân bay nói trên bắt đầu cuộc diễn tập từ ngày 18-6. Nội dung hoạt động gồm có diễn tập trên không, tuần tra biển, huấn luyện phòng không và tấn công tầm xa.
Tư lệnh Hải quân Mỹ cho hay việc triển khai 2 tàu sân bay được coi là cam kết của Washington đối với an ninh khu vực, giúp ngăn chặn bất kỳ nỗ lực gây bất ổn nào tại châu Á.
Bình luận (0)