Thủ đô Paris - Pháp đã trải qua ngày nắng nóng khủng khiếp nhất từng được ghi nhận tại thành phố này với nhiệt độ lên đến 42,6 độ C hôm 25-7, vượt qua mức kỷ lục 40,4 độ C hồi tháng 7-1947. Cơ quan Khí tượng quốc gia Pháp cảnh báo nhiệt độ Paris "có thể tăng cao hơn nữa".
Cùng ngày, các kỷ lục mới về nhiệt độ cao cũng được xác lập tại Bỉ, Đức và Hà Lan giữa lúc khu vực Tây Âu đang đối mặt đợt nắng nóng nguy hiểm. Theo Viện Khí tượng Hoàng gia Hà Lan (KNMI), mức nhiệt 40,4 độ C đã được ghi nhận tại căn cứ không quân phía Nam Gilze-Rijen vào chiều 25-7 (giờ địa phương) - vượt qua con số kỷ lục 39,3 độ C được thiết lập chưa đầy 24 giờ trước đó tại TP Eindhoven.
Tương tự, theo Viện Khí tượng Hoàng gia Bỉ (KMI-RMI), nhiệt độ TP Kleine Brogel, gần biên giới Hà Lan, đã chạm mức 40,6 độ C vào hôm 25-7, vượt mốc kỷ lục 40,2 độ C đo được một ngày trước đó tại TP Angleur. "Đây là mức nhiệt cao nhất tại Bỉ kể từ khi quá trình đo nhiệt được bắt đầu vào năm 1833" - KMI-RMI khẳng định.
Người dân “giải nhiệt” ở thủ đô Paris - Pháp hôm 25-7. Ảnh: REUTERS
Trong khi đó, Cơ quan Thời tiết quốc gia Đức (DWD) thông báo họ đo được mức nhiệt cao kỷ lục 41,5 độ C ở TP Lingen vào ngày 25-7 và đây là lần đầu tiên nhiệt độ ở Đức vượt ngưỡng 41 độ C. Theo báo The Guardian, Anh cũng đã trải qua ngày nắng nóng nhất trong tháng 7 và đang có xu hướng đón nhận mức nhiệt cao nhất lịch sử nước này.
Ông Owen Landeg, Cơ quan Sức khỏe Cộng đồng Anh, cảnh báo nắng nóng cực đoan đang đe dọa người lớn tuổi, trẻ nhỏ và những người đang trong tình trạng sức khỏe yếu. "Nắng nóng cực đoan cũng đồng nghĩa với việc cơ thể chúng ta, đặc biệt là tim và phổi, phải hoạt động mạnh hơn để duy trì thân nhiệt bình thường" - ông Landeg chia sẻ.
Tương tự, giới chức Pháp cũng đã đưa ra nhiều cảnh báo với hy vọng tránh lặp lại thảm kịch nắng nóng hồi năm 2003, được cho là đã cướp đi sinh mạng của gần 15.000 người tại quốc gia này. "Với nhiệt độ khủng khiếp như hiện tại, ai cũng gặp rủi ro về sức khỏe" - Bộ trưởng Y tế Pháp Agnès Buzyn lo ngại.
Đợt nắng nóng cực đoan trên diễn ra chưa đầy một tháng sau khi một đợt nắng nóng tương tự khiến thế giới trải qua tháng 6 nóng nhất lịch sử. Giới khoa học cảnh báo khủng hoảng thời tiết đang khiến các đợt nắng nóng mùa hè xảy ra thường xuyên và khắc nghiệt hơn rất nhiều.
Đáng lo ngại, trong bối cảnh xu hướng nắng nóng ngày càng phổ biến, các hệ thống điều hòa nhiệt độ cũng ngày càng được ưa chuộng, kể cả tại châu Âu. "Doanh số bán hàng của chúng tôi tăng đều mỗi năm" - ông Maximilian Schichtl, giám đốc một công ty lắp đặt và bảo dưỡng hệ thống điều hòa ở TP Munich - Đức, chia sẻ.
Giới khoa học khẳng định với báo The New York Times rằng đây là "một vòng luẩn quẩn nguy hại" vì nó có thể khiến tình trạng biến đổi khí hậu trở nên tồi tệ hơn. "Sử dụng máy điều hòa có thể giúp nhiệt độ trong nhà mát hơn nhưng lại khiến nhiệt độ trái đất ấm lên" - ông Brice Tréméac, Giám đốc Phòng thí nghiệm hệ thống nhiệt, năng lượng và hơi lạnh (Pháp), giải thích.
Bình luận (0)