Tại Pháp, các đám cháy rừng ở miền Nam đã được khống chế hôm 29-6 sau nỗ lực của hàng trăm lính cứu hỏa. Dù vậy, lửa đã thiêu rụi khoảng 550 ha và phá hủy một số nhà cửa, xe cộ tại vùng Gard - nơi nhiệt độ tăng lên mức cao kỷ lục 45,9 độ C một ngày trước đó.
Ông Didier Lauga, người đứng đầu chính quyền vùng Gard, cho hãng tin Reuters biết nắng nóng cực độ nhiều khả năng là nguyên nhân gây ra các vụ cháy. Các cơ quan khẩn cấp cho biết 15 nhân viên cứu hỏa và một số cảnh sát đã bị thương ở Gard - nơi đã huy động 700 nhân viên cứu hỏa và 10 máy bay để dập lửa.
Trong khi đó, thủ đô Paris hôm 29-6 trải qua ngày nóng nhất trong đợt nắng nóng này với nhiệt độ khoảng 37 - 38 độ C. Thời tiết khắc nghiệt đã khiến ít nhất 4 người thiệt mạng tại Pháp trong những ngày qua.
Nhiều người đến giải nhiệt tại đài phun nước Trocadero ở thủ đô Paris - Pháp Ảnh: REUTERS
Nước Anh hôm 29-6 cũng trải qua ngày nóng nhất trong năm 2019 với nhiệt độ lên đến 35 độ C. Còn Tây Ban Nha đã 4 ngày liên tục chịu đựng nắng nóng bất thường, khiến ít nhất 2 người thiệt mạng. Cơ quan khí tượng quốc gia cho biết 40/50 khu vực ở nước này đã được đặt trong tình trạng báo động về thời tiết, 7 khu vực trong số đó được xem là có nguy cơ rất cao.
Ở Ý, ít nhất 3 người thiệt mạng vì nắng nóng; số lượng ca cấp cứu do nhiệt độ cao tại các bệnh viện ở TP Milan đã tăng 35%. Nhu cầu về điện ở thành phố này tăng vọt, gây ra cảnh mất điện ở các cửa tiệm. Nhiệt độ được dự báo sẽ giảm trong mấy ngày tới nhưng vẫn còn nóng.
Tổ chức Khí tượng thế giới vào tuần rồi cho biết 2019 có thể nằm trong số những năm nóng nhất thế giới và giai đoạn 2015-2019 là 5 năm nóng nhất. Cơ quan này nhấn mạnh đợt nắng nóng ở châu Âu hiện nay có liên quan đến tác động do khí thải gây hiệu ứng nhà kính gây ra.
Bình luận (0)