Động thái làm sâu sắc thêm tranh chấp trong quan hệ Trung - Âu và ngăn các công ty EU tiếp cận nhiều hơn với thị trường Trung Quốc.
Nghị quyết từ chối xem xét Hiệp định toàn diện về đầu tư (CAI) giữa EU-Trung Quốc được EP thông qua hôm 20-5 với 599 phiếu ủng hộ, 30 phiếu chống và 58 phiếu trắng.
Thỏa thuận toàn diện về đầu tư giữa EU và Trung Quốc nói trên, được các nhà đàm phán đồng ý vào tháng 12 năm ngoái sau 7 năm đàm phán, nhằm đưa các công ty EU tiếp cận thị trường Trung Quốc và củng cố vị thế của Bắc Kinh như một đối tác thương mại đáng tin cậy.
Nghị viện châu Âu (EP) hôm 20-5 từ chối phê chuẩn hiệp định đầu tư mới với Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, đến tháng 3 năm nay, Bắc Kinh áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 10 chính trị gia EU, cũng như các tổ chức nghiên cứu và cơ quan ngoại giao. Động thái nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với các quan chức Trung Quốc bị cáo buộc giam giữ hàng loạt người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tây Bắc Trung Quốc.
Ông Reinhard Butikofer, nhà lập pháp EU người Đức chịu lệnh trừng phạt của Trung Quốc, cho rằng: "Với các lệnh trừng phạt của mình, Trung Quốc đã tính toán sai lầm. Họ nên rút kinh nghiệm từ những sai lầm của mình và nghĩ lại. Vì các lệnh trừng phạt của Trung Quốc nên Hiệp định Toàn diện về Đầu tư đã bị đóng băng".
Theo hãng tin Reuters, các nhà lập pháp EU cho hay biện pháp trừng phạt của Trung Quốc không dựa trên luật pháp quốc tế trong khi các biện pháp của khối, tương tự Anh và Mỹ, nhằm giải quyết các hành vi vi phạm nhân quyền được đưa ra trong các hiệp ước của Liên Hiệp Quốc. Phía Bắc Kinh đến nay vẫn phủ nhận có bất kỳ hành vi sai trái nào.
Nghị viện châu Âu cho biết trong nghị quyết yêu cầu Trung Quốc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt trước khi cân nhắc hiệp định đầu tư. Ảnh: Reuters
Nghị viện châu Âu cho biết trong nghị quyết hôm 20-5 yêu cầu Trung Quốc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt trước khi cân nhắc hiệp định đầu tư. Nghị quyết này vốn không ràng buộc về mặt pháp lý nhưng thể hiện quan điểm chính thức của EP. Nghị quyết nêu rằng: "Quan hệ thương mại EU-Trung Quốc không thể tiếp tục như bình thường".
Quyết định hôm 20-5 là một bước lùi đối với cả Trung Quốc và EU. Việc phê chuẩn hiệp định sẽ giúp bảo vệ nhiều hơn đối với đầu tư và quyền sở hữu trí tuệ của châu Âu ở Trung Quốc. Các nhà ngoại giao châu Âu cho rằng Trung Quốc đã hy vọng sẽ cải thiện vị thế trên trường quốc tế như một đối tác thương mại công bằng và được tôn trọng.
Bình luận (0)