IEA cho rằng với lo ngại về việc cắt hoàn toàn việc cung cấp khí đốt, sau sự sụt giảm nguồn cung và sự cố gần đây liên quan đến đường ống Nord Stream, thị trường khí đốt sẽ không chắc chắn trong dài hạn.
Báo cáo thị trường hàng quý công bố hôm 3-10 cho thấy tiêu thụ khí đốt trong khối EU đã giảm hơn 10% trong 8 tháng đầu năm vì tiêu thụ trong lĩnh vực công nghiệp giảm 15%, do các nhà máy cắt giảm sản xuất.
Theo RT, sau cam kết của EU về chấm dứt sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga, các nước trong khối đã chuyển sang các loại nhiên liệu khác như than và dầu để sản xuất, cũng như sử dụng hàng giá cao của các nước khác như Mỹ, Qatar, Na Uy, Azerbaijan, dẫn đến giá khí đốt cao kỷ lục trong quý III/2022 tính theo giá khí đốt tự nhiên châu Âu và giá LNG giao ngay tại châu Á.
Điểm tiếp đất của đường ống Nord Stream 2 ở Lubmin - Đức trong ảnh chụp ngày 19-9 - Ảnh: REUTERS
Tờ Fnancial Times dẫn lời Giám đốc kỹ thuật Hendrik Neuman của nhà điều hành lưới điện hàng đầu nước Đức Amprion rằng họ có thể phải tạm thời hạn chế xuất khẩu điện trong mùa đông, bao gồm sang Pháp, để tránh tình trạng thiếu điện trong nước.
Ông nói thêm rằng cuộc khủng hoảng điện hiện nay ở Đức và EU là do xung đột Nga - Ukraine cùng các vấn đề chồng chéo khác bao gồm việc ngừng hoạt động khoảng một nửa nhà máy điện hạt nhân ở Pháp, thiếu than do mực nước sông ngòi xuống thấp không giao hàng được…
Theo Al-jazeera, giá khí đốt ở châu Âu đạt mức cao kỷ lục trong khi nguồn cung cạn kiệt đã ảnh hưởng đến một loạt lĩnh vực, góp phần làm tăng vọt giá cả nhiều mặt hàng: bơ tăng 80%, phô mai tăng 43%, sữa bột tăng 50%… Phân bón tăng 60% khiến nông dân gặp căng thẳng về mặt kinh tế và làm ngừng sản xuất tới 70% sản lượng khu vực.
Hàng triệu người châu Âu đang bị đe dọa nhu cầu giữ ấm tối cần thiết trong mùa đông, dẫn đến một loạt nguy cơ sức khỏe. EU đang nỗ lực giải quyết với mục tiêu nạp đầy 80% các kho dự trữ vào tháng 11 cũng như tìm kiếm các giải pháp thay thế.
Bình luận (0)