Mức cắt giảm 1 triệu thùng/ngày, nếu có, sẽ là con số lớn nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Đây cũng sẽ là tháng thứ 2 liên tiếp OPEC+ cắt giảm sản lượng. Mức giảm được nhất trí vào tháng rồi là 100.000 thùng/ngày.
Trước đó, giá dầu đã giảm kể từ tháng 6, thời điểm dịch COVID-19 hoành hành tại Trung Quốc làm ảnh hưởng đến nhu cầu. Ngoài ra, lãi suất tăng và đồng USD tăng mạnh đã gây áp lực lớn lên các thị trường tài chính toàn cầu.
Theo Reuters, sự biến động này của thị trường dầu khiến OPEC+ xem xét tiếp tục cắt giảm sản lượng bất chấp động thái như thế có thể đối mặt chỉ trích của các nước tiêu thụ nhiều dầu, trong đó có Mỹ. Những quốc gia này đang gây sức ép để OPEC+ tăng sản lượng nhằm giúp giá dầu giảm thêm, từ đó hạ nhiệt lạm phát và hỗ trợ kinh tế toàn cầu.
Một cơ sở của Công ty dầu Petroamazonas ở Ecuador Ảnh: Reuters
Theo trang Bloomberg, giá dầu thô Brent hôm 3-10 đã tăng trở lại và tiến gần mức 90 USD/thùng sau khi xuất hiện thông tin liên quan cuộc họp sắp tới của OPEC+. Một số nhà phân tích cho rằng giới lãnh đạo OPEC+ sẽ không chấp nhận giá dầu giảm xuống dưới 90 USD/thùng và sẽ ra tay để bảo vệ mức giá sàn này.
Ông Suvro Sarkar, chuyên gia tại Ngân hàng DBS (Singapore), nói chỉ là vấn đề thời gian trước khi giá dầu trở lại mức 100 USD/thùng, nhất là khi nguồn cung dự kiến bị thu hẹp từ giờ đến cuối năm nay.
Trong khi đó, ông Peter McNally, chuyên gia tại Công ty Third Bridge (Anh), lưu ý đến 2 yếu tố là triển vọng về nhu cầu (nhất là tại Trung Quốc) và nguồn cung từ Nga sẽ ra sao một khi lệnh cấm nhập khẩu dầu thô Nga của Liên minh châu Âu có hiệu lực từ ngày 5-12.
Bình luận (0)