Tuy nhiên, khi phát biểu trước một tổ chức nghiên cứu ở thủ đô Brussels - Bỉ trước đó cùng ngày, nhà lãnh đạo này lại lo ngại những đảng dân túy chống Liên minh châu Âu (EU) có thể thắng thế, cũng như cảnh báo về nguy cơ chính trường Ý hỗn loạn nếu không đảng nào thắng áp đảo trong cuộc bầu cử.
Theo ông, châu Âu nên chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất, tức không có chính phủ mới được thành lập sau cuộc bầu cử.
Kết quả sơ bộ cho thấy dường như kịch bản tồi tệ nhất ông Juncker nói đến đã xảy ra. Gần phân nửa cử tri Ý tham gia cuộc bầu cử hôm 4-3 đã bỏ phiếu cho các đảng dân túy và không thấy bóng dáng của một chính phủ mới ổn định.
Có 2 đảng thắng lớn: Phong trào 5 sao (chống các nguyên tắc xã hội, chính trị, kinh tế truyền thống) và Liên đoàn phương Bắc (đảng cực hữu phản đối nhập cư và có lập trường hoài nghi về châu Âu). Riêng số phiếu của Liên đoàn phương Bắc có thể nhiều hơn cả đồng minh trung hữu - Đảng Nước Ý tiến lên (Forza Italia) do cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi đứng đầu.
Thủ lĩnh phong trào 5 sao Luigi Di Maio vẫy chào người ủng hộ sau khi bỏ phiếu ở Pomigliano d’Arco hôm 4-3 Ảnh: REUTERS
Trước thềm bầu cử, truyền thông quốc tế nói chuyện cử tri Ý cảm thấy bất bình, giận dữ và lo ngại khi chứng kiến hàng trăm ngàn người di cư tới nước này gần đây, trong lúc chán nản với tình trạng thiếu cơ hội phát triển, nạn tham nhũng của giới tinh hoa và sự lãnh đạo kém của chính phủ trung hữu.
Hỗn loạn là điều không hề xa lạ với chính trường Ý và các thủ tướng hiếm khi làm hết nhiệm kỳ 5 năm. Tuy nhiên, những gì xảy ra trong cuộc bầu cử năm nay tạo cảm giác hệ thống cũ đang sụp đổ và những gì xảy ra ở Ý có thể lặp lại tại những nước châu Âu khác.
Ngoài ra, một số quan chức châu Âu chỉ ra rằng những rắc rối kinh tế nghiêm trọng của Ý - trong đó có món nợ công lớn nhất tại EU và tỉ lệ thất nghiệp cao trong giới trẻ - đồng nghĩa quốc gia này có nguy cơ trả giá nếu để tình trạng không chắc chắn về chính trị kéo dài.
Bình luận (0)