"Chiến tranh đang chuyển đến châu Phi" - Thượng nghị sĩ Mỹ Lindsey Graham cảnh báo hôm 20-10 (giờ địa phương) sau cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis.
Đuổi theo khủng bố
Theo báo chí Mỹ, cuộc gặp trên được tổ chức sau sự cố 4 lính đặc nhiệm Mỹ bị phục kích chết ở Niger (gần biên giới Mali) hôm 4-10. Khi đó, các hạ sĩ Bryan Black, Dustin Wright, Jeremiah Johnson và trung sĩ La David Johnson tham gia nhóm 12 thành viên huấn luyện quân đội Niger. Họ vừa rời một cuộc họp với các bô lão địa phương thì bị khoảng 50 tay súng phục kích, theo Tạp chí Newsweek.
Do đang di chuyển trên xe quân sự không bọc thép nên các binh sĩ này rời xe và bắn trả. Sau khoảng 30 phút đấu súng, trận chiến kết thúc với sự trợ chiến của không quân Pháp. Trong chuyến thăm cùng ngày 20-10 tới Mỹ, nữ Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly nhận được lời cảm ơn từ người đồng cấp nước chủ nhà.
Trong khi chiến đấu cơ Pháp quần thảo trên đầu thì trực thăng tấn công của họ đã sơ tán các lính Mỹ bị thương. Trận giao tranh cũng khiến 4 binh lính Niger thiệt mạng.
Vợ của binh sĩ La David Johnson đau buồn khi đón quan tài chồng mình hôm 17-10 Ảnh: BLACKCHRISTIANNEWS.COM
Quân đội Mỹ đang hứng chịu chỉ trích vì không có biện pháp bảo vệ binh lính tại chỗ, đồng thời thất bại trong thu thập tin tình báo. Gọi vụ phục kích là "Benghazi của Niger" - gợi lại vụ tấn công lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi - Libya năm 2012, báo giới Mỹ đặt câu hỏi vì sao xảy ra cớ sự trên và vì sao thi thể của binh sĩ Johnson phải mất gần 2 ngày mới được thu hồi (mà lại nhờ sự phát hiện của một trực thăng tư nhân).
Đáng chú ý, như Newsweek chỉ ra, là đã hơn 2 tuần trôi qua song Lầu Năm Góc vẫn chưa thể gọi tên thủ phạm. Ông Patrick Barnes, phát ngôn viên của Bộ Chỉ huy châu Phi của Mỹ (AFRICOM), cho hay nhiều nhóm vũ trang đang hoạt động trong và xung quanh Niger, bao gồm al-Qaeda ở khu vực Hồi giáo Maghreb (AQIM) và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Tuy nhiên, ông nói không nên quy trách nhiệm khi quá trình điều tra vẫn đang diễn ra.
Trong khi Lầu Năm Góc tỏ ra thận trọng thì Cục Tình báo quân đội Mỹ tiết lộ với đài ABC News rằng "khả năng rất cao" thủ phạm là một nhóm có liên hệ với IS mang tên "IS vùng Sahara" (ISGS) - đã hoạt động ở Niger gần 2 năm. Năm 2015, thủ lĩnh Adnan Abu Walid al-Sahrawi của nhóm này cắt đứt quan hệ với al-Qaeda và đầu quân cho IS.
Thế nhưng, ISGS chưa từng được chính thức công nhận là một nhánh của IS, theo ABC News. IS gần đây bị đánh bại ở cả 2 thành trì Raqqa (Syria) và Mosul (Iraq) nhưng theo các chuyên gia, chúng đã kịp chuẩn bị những cứ địa mới ở nhiều nơi khác, đặc biệt là ở Bắc Phi.
Lầu Năm Góc đổi chiến thuật
Ngoài ISGS, AQIM, còn có nhiều tổ chức khủng bố địa phương chuyên hoạt động trong khu vực, như Jama’at Nusrat al-Islam wal-Muslimin (JNIM), al-Mourabitoun, Macina Liberation Front (MLF) và Ansar al-Din (AAD)... Khét tiếng nhất là JNIM, tổ chức đã nhận trách nhiệm ít nhất 35 vụ tấn công kể từ khi được thành lập vào đầu tháng 3 năm nay.
"Chiến tranh là chiến tranh và những kẻ khủng bố này đang gieo rắc chiến tranh lên người vô tội. Đó là lý do binh lính Mỹ có mặt ở đó" - Bộ trưởng Mattis nhấn mạnh hôm 19-10. Theo báo Washington Post, quân đội Mỹ có mặt ở khắp châu Phi để chống khủng bố, riêng ở Niger là từ năm 2013. Hiện tại, gần 800 lính Mỹ đang đóng ở Niger và một căn cứ máy bay không người lái lớn đang được xây dựng gần Agadez, thành phố ở miền Trung Niger.
Trong cuộc họp với Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện John McCain và Thượng nghị sĩ Graham nói trên, ông Mattis cho hay quân đội Mỹ đang chuyển hướng chiến lược chống khủng bố, cụ thể là tập trung sang châu Phi nhiều hơn, giao quyền quyết định tác chiến cho các chỉ huy ở chiến trường và mở rộng khả năng sử dụng lực lượng sát thương đối với các nghi phạm khủng bố.
Theo ông Graham chia sẻ với phóng viên, binh lính Mỹ có thể hạ gục những ai bị tình nghi là thành viên của một tổ chức khủng bố ngay cả khi họ chưa gây ra mối nguy hiểm tức thời nào. Ngoài ra, ông Mattis thông báo quân đội cũng sẽ thay đổi cách thức sử dụng bộ binh và triển khai quân đội để chiến đấu ở châu Phi.
Bình luận (0)