Dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc (LHQ), hội nghị quốc tế về hòa bình Libya hôm 19-1 diễn ra tại thủ đô Berlin - Đức, với sự tham gia của 2 phe phái đối địch chính tại quốc gia Bắc Phi, gồm Thủ tướng Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya (GNA) được LHQ công nhận Fayez al-Sarraj và Tư lệnh Quân đội quốc gia Libya (LNA) tự xưng Khalifa Haftar.
Hội nghị 1 ngày nêu trên còn có sự tham gia của 11 nước lớn, trong đó có Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp và Mỹ, cũng như các tổ chức quốc tế có tầm ảnh hưởng trong khu vực. Trong lời mời tham dự hội nghị, nước chủ nhà Đức khẳng định mục tiêu dài hạn của họ là chủ quyền Libya và một quá trình hòa giải do nội bộ Libya dẫn dắt.
Libya chìm trong bạo lực và chia rẽ kể từ khi nhà lãnh đạo lâu năm Muammar Gaddafi bị lật đổ và sát hại vào năm 2011. Căng thẳng tiếp tục leo thang vào tháng 4-2019 khi lực lượng của Thủ tướng al-Sarraj ở thủ đô Tripoli bị lực lượng của tướng Haftar tấn công. Các cuộc giao tranh đã cướp đi sinh mạng của hơn 280 dân thường và 2.000 binh sĩ cho đến khi một thỏa thuận ngừng bắn mong manh được thực thi hôm 12-1, theo lời kêu gọi của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.
Người dân Libya tưởng niệm những nạn nhân thiệt mạng trong vụ tấn công nhằm vào một học viện quân sự ở Tripoli hôm 5-1Ảnh: REUTERS
Hội nghị Berlin về hòa bình Libya là nỗ lực mới nhất của cộng đồng quốc tế trong việc thiết lập hòa bình và sự ổn định cho quốc gia Bắc Phi này.
"Chúng ta phải bảo đảm Libya không biến thành Syria thứ 2" - Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas tuyên bố hôm 19-1, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế triển khai lực lượng bảo hộ, dưới sự bảo trợ của LHQ, nếu tướng Haftar tiếp tục các chiến dịch quân sự.
Theo ông Jürgen Hardt, chuyên gia về chính sách đối ngoại tại Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Đức Angela Merkel, hội nghị lần này là bước đệm đầu tiên hướng đến sự ổn định không chỉ cho riêng Libya mà còn cả khu vực Bắc và Tây Phi.
"Nếu chúng ta thành công trong việc giúp Libya đạt được tương lai hòa bình, đây sẽ là một cột mốc quan trọng cho cả khu vực" - ông Hardt khẳng định.
Dù vậy, nhà phân tích cấp cao của Nhóm khủng hoảng quốc tế tại Libya, bà Claudia Gazzini, nhận định con đường tiến tới hòa bình cho quốc gia Bắc Phi sẽ còn rất dài và hội nghị Berlin chỉ là "một bước tiến khiêm tốn" trong hành trình đầy chông gai đó.
Theo đài Deutsche Welle (Đức), tình hình Libya trở nên phức tạp hơn kể từ khi có sự can thiệp từ nước ngoài. Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ chính phủ ở Tripoli và mới đây xác nhận đã triển khai quân đến Libya; nhiều nước khác, trong đó có Ai Cập và Ả Rập Saudi, thể hiện sự ủng hộ đối với tướng Haftar. Ngay cả trong khối Liên minh châu Âu (EU) cũng đang chia rẽ vì vấn đề này. Pháp được cho là ủng hộ tướng Haftar trong khi Ý được cho là ủng hộ Thủ tướng al-Sarraj.
"Hai phe luôn sẵn sàng để tiếp tục chiến đấu. Họ chỉ không biết khi nào xung đột sẽ lại nổ ra" - ông Tarek Megerisi, nhà phân tích chính sách tại Hội đồng Đối ngoại châu Âu, khẳng định.
Trước thềm Hội nghị Berlin, căng thẳng 2 phe tiếp tục leo thang khi Thủ tướng al-Sarraj chỉ trích tướng Haftar liên quan đến việc LNA phong tỏa 5 cảng chính ở Trung và Đông Libya để chặn xuất khẩu dầu.
Thủ tướng al-Sarraj kêu gọi cộng đồng quốc tế gia tăng sức ép lên tướng Haftar để khôi phục hoàn toàn năng lực xuất khẩu dầu của Libya. Theo ông al-Sarraj, động thái của tướng Haftar cùng với sự thiếu cương quyết của cộng đồng quốc tế cho thấy họ chưa muốn hòa bình.
Bình luận (0)