Nhà chức trách Philippines ngày 13-9 bắt đầu sơ tán hàng ngàn người dân sống trong khu vực nằm trên đường di chuyển của siêu bão Mangkhut.
Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế cảnh báo siêu bão với sức gió lên đến 255 km/giờ này sẽ gây thiệt hại đáng kể khi dự kiến đổ bộ tỉnh Cagayan - Philippines trong ngày 15-9. Thống đốc tỉnh Cagayan Manuel Mamba nói với hãng tin AP rằng dân cư bắt đầu được sơ tán khỏi các ngôi làng ven biển và một số đô thị trong khi các trường học được lệnh đóng cửa. Giới chức Philippines ước tính có khoảng 10 triệu dân sống tại những khu vực có nguy cơ chịu tác động bởi cơn bão mạnh này.
Theo Cơ quan Dự báo thời tiết Philippines, siêu bão Mangkhut sẽ là cơn bão mạnh nhất từ đầu năm đến giờ đổ bộ vào đây, đe dọa gây ra mưa to, có thể dẫn đến lở đất và lũ quét tại nhiều địa phương. Cảnh báo bão đã được ban bố tại 25 tỉnh trên đảo Luzon. Mưa lớn và gió mạnh sẽ bắt đầu xảy ra tại khu vực miền Bắc và Trung đảo Luzon từ ngày 14-9. Những cơn sóng cao đến 7 m dự kiến tràn vào các vùng ven biển. Các thị trấn, thành phố được dự báo nằm trên đường đi của Mangkhut đã sử dụng các tòa nhà chính quyền làm trung tâm sơ tán, nơi dự trữ thực phẩm và lương thực khẩn cấp khác.
Sau Philippines, siêu bão Mangkhut nhiều khả năng đổ bộ Hồng Kông và công tác ứng phó đang được tiến hành khẩn trương tại đặc khu hành chính của Trung Quốc này. Người dân đang chạy đua gia cố nhà cửa, phòng lũ lụt cho các tòa nhà cao tầng và dự trữ nhu yếu phẩm trước khi siêu bão Mangkhut dự kiến đổ bộ ngày 16-9. Chính quyền Hồng Kông đã chủ trì cuộc họp hôm 12-9 để bàn biện pháp ứng phó giữa lúc có cảnh báo Mangkhut sẽ là cơn bão mạnh nhất từng đổ bộ vào đây.
Binh sĩ Philippines diễn tập hoạt động cứu hộ trong trường hợp xảy ra thiên tai ở thủ đô Manila ngày 13-9 Ảnh: EPA-EFE
Điều kiện thời tiết sẽ xấu đi đáng kể vào cuối tuần này với mưa lớn kéo dài và biển động. Không khí đối phó bão được cảm nhận rõ tại một ngôi chợ ở khu Sham Shui Po của Hồng Kông. Bất chấp giá cả tăng gấp 3 lần, người dân vẫn mua trái cây và rau củ để dự trữ. Một người bán rau họ Wong cho hay các nhà cung cấp đã tăng giá trước khi cơn bão đổ bộ. "Do cơn bão đang đến nên tôi đi mua rau và cá. Chúng không hề rẻ, rau tăng 1-2 đô la Hồng Kông trong khi cá tăng đến 10 đô la Hồng Kông. Vậy mà một số loại cá cũng hết hàng" - bà Leung, 80 tuổi, phàn nàn.
Trong lúc Philippines và Hồng Kông bất an, Đài Loan có thể thở phào nhẹ nhõm sau khi được dự báo không còn nằm trên đường đi của Mangkhut. Cục Thời tiết Đài Loan cho biết do Mangkhut phần nào chuyển hướng nên Đài Loan tránh được tác động trực tiếp của cơn bão. Dù vậy, người dân hòn đảo này vẫn được khuyến cáo thực hiện những biện pháp phòng ngừa bởi siêu bão vẫn sẽ gây mưa to ở phía Nam và Đông của hòn đảo. Song song đó, chính quyền Đài Loan vẫn duy trì cảnh giác cao độ và chuẩn bị công tác đối phó trong trường hợp cơn bão lại đổi hướng.
Trước khi đe dọa Philippines và Hồng Kông, siêu bão Mangkhut đã tàn phá đảo Guam, vùng lãnh thổ của Mỹ ở Thái Bình Dương, tàn phá nhà cửa, làm ngã đổ nhiều cây cối, gây mất điện trên diện rộng và lũ lụt nghiêm trọng. Chính quyền lãnh thổ này đã kêu gọi Tổng thống Mỹ Donald Trump ban bố tình trạng khẩn cấp tại đó.
"Thảm họa ngay ngưỡng cửa"
Bão Florence đã giảm xuống cấp độ 2 khi đến gần bờ Đông nước Mỹ nhưng với sức gió 175 km/giờ, giới chức nước này vẫn cảnh báo về một "thảm họa ngay ngưỡng cửa". Các con sóng cao đến 25 m đã được ghi nhận ngoài biển vào sáng 12-9 (giờ địa phương).
Theo đài BBC, bão Florence di chuyển chậm, tức là nó vẫn "nấn ná" ở bờ biển đến tận ngày 16-9, gây ra lụt lội ở các bang Alabama, Tennessee, Kentucky và Tây Virginia. Khoảng 1,7 triệu người ở các bang Nam Carolina, Bắc Carolina và Virginia đã được lệnh sơ tán, trong khi lệnh sơ tán mở rộng thêm về phía Nam đến bang Georgia.
Hãng tin Reuters trích dẫn thông tin từ Trung tâm Bão quốc gia (NHC) ở Miami cho biết tâm bão Florence dự kiến tấn công Bắc Carolina vào cuối ngày 13-9 hoặc sáng sớm 14-9 (giờ địa phương) và có thể xuôi theo hướng Tây Nam dọc theo bờ biển trước khi đổ bộ. NHC khuyến cáo Florence đe dọa cả một vùng rộng lớn ở bờ Đông nước Mỹ, từ Nam Georgia đến Nam Virginia. Không chỉ khiến mực nước biển dâng cao đến 2,7 m dọc theo bờ biển Carolina, bão Florence còn có thể gây mưa nhiều đến mức 51-76 cm, thậm chí lên đến 1 m như ở nhiều khu vực bang Bắc Carolina. Thống đốc Roy Cooper cảnh báo chỉ riêng ở bang Bắc Carolina, hàng chục ngàn ngôi nhà và công ty có thể bị ngập lụt.
Trong bối cảnh nhà chức trách chưa thể lường trước mức độ thiệt hại về kinh tế do Florence gây ra, báo Daily Mail đưa tin bang Bắc Carolina có thể đối mặt với tình trạng bùn độc hại và nước uống nhiễm bẩn trong nhiều tuần lễ, ngay cả khi cơn bão đã đi qua. Khi lượng mưa dự kiến lên đến 90 cm, nhiều khu vực thuộc bang này có thể bị tràn ngập từ tro than đá đến phân heo, thậm chí cả rác thải hạt nhân bắt nguồn từ những địa điểm bị ngập lụt. Tất cả những thứ độc hại đó sẽ thấm sâu vào đất trang trại, nước ngầm và các giếng nước, gây hại cho sức khỏe cộng đồng.
Lục San
Bình luận (0)