NASA cho biết vệ tinh của họ đã theo dõi sự phát tán của các đám khói lên bầu khí quyển trong khi chúng di chuyển ra Nam Mỹ và các khu vực khác.
Tính đến ngày 8-1, "các đám khói đã di chuyển nửa vòng trái đất, băng qua Nam Mỹ, khiến bầu trời mờ mịt và gây ra hiện tượng hoàng hôn - bình minh nhiều màu" - NASA cho biết trên trang web.
Hơn 11 triệu hecta rừng và đất canh tác nông nghiệp của Úc đã bị thiêu rụi kể từ khi hỏa hoạn bùng phát vào tháng 9-2019. New South Wales và Victoria là 2 bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Băng qua biển Tasman, khói bụi gây ô nhiễm nghiêm trọng tại nhiều khu vực ở New Zealand và khiến tuyết trắng ở các khu vực đồi núi chuyển sang màu nâu.
Ảnh vệ tinh NASA hôm 3-1 cho thấy khói từ các đám cháy ở Úc băng qua biển Tasman. Ảnh: EPA
Theo NASA, các đám mây hình thành từ nhiệt, được gọi là pyrocumulonimbus, đã thải lượng khói lớn vào tầng bình lưu cách bề mặt trái đất hơn 16 km.
"Khi đến tầng bình lưu, khói có thể di chuyển hàng ngàn km từ điểm xuất phát, gây ảnh hưởng toàn cầu" – NASA khẳng định, đồng thời cho biết họ đã xác định được 20 trận bão lửa pyrocumulonimbus trong một tuần của tháng này.
Các đám mây trông giống như dông bão nhưng không gây mưa này có thể gây ra sấm sét trong điều kiện khô hanh, khiến hỏa hoạn bùng phát.
Theo ông Mike Fromm và các đồng nghiệp tại Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Hải quân Mỹ ở Washington, đây là đợt bùng phát bão pyrocumulonimbus "cực đoan nhất lịch sử Úc".
Trong khi đó, những dự báo thời tiết hôm 14-1 đã tiếp thêm hy vọng cho Úc khi khẳng định mưa lớn sẽ trút xuống một số khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, kể cả NSW và Victoria.
Điều kiện thời tiết mát mẻ những ngày gần đây đã "hỗ trợ" lực lượng cứu hỏa trên khắp cả nước và một vài đám cháy nghiêm trọng nhất đã được kiểm soát.
Những dự báo thời tiết hôm 14-1 nói rằng mưa lớn sắp xảy ra đã tiếp thêm hy vọng cho Úc. Ảnh: AP
Bình luận (0)