Giới chuyên gia khẳng định việc giải phóng tàu mắc cạn Ever Given, nặng 220.000 tấn, sẽ giúp xác định tổng chi phí tổn thất. Con số này sẽ thấp hơn nhiều ở những kịch bản khác, chẳng hạn như dỡ một phần hàng hóa để giúp tàu nhẹ hơn.
Dù vậy, nhà phân tích Robert Mazzuoli của Công ty Fitch (Mỹ) nhấn mạnh chi phí giải cứu và doanh thu tổn thất của cơ quan quản lý kênh đào Suez, cũng như hiệu ứng gián tiếp đối với hàng trăm con tàu bị trì hoãn bởi sự kiện này cũng có thể khiến ngành công nghiệp bảo hiềm toàn cầu "chịu mất mát lớn", dễ dàng lên đến hàng trăm triệu USD.
Tổn thất từ sự cố tắc nghẽn nhiều khả năng gây sức ép lên thu nhập trong 6 tháng đầu năm 2021 của các công ty bảo hiểm, vốn đang chịu áp lực từ bão tuyết Mỹ, lũ lụt Úc và các khoản mất mát liên quan đến đại dịch Covid-19, ông Mazzuoli nói thêm.
Trong khi đó, chuyên gia luật hàng hải Christopher Dunn của Công ty Kennedys (Anh) khẳng định chi phí tổn thất nhiều khả năng không vượt quá con số 250 triệu USD. Cụ thể hơn, nhà phân tích David Smith của Công ty môi giới bảo hiểm McGill and Partners (Anh) cho rằng tổng số tiền bồi thường bảo hiểm có thể xoay quanh mức 150 triệu USD.
Tàu Ever Given được giải cứu vào ngày 29-3, sau 7 ngày mắc cạn trên kênh đào Suez của Ai Cập. Ảnh: AP
"Đến thời điểm hiện tại, yếu tố lớn nhất để xác định chi phí bồi thường bảo hiểm là mức tổn thất doanh thu mà giới chức quản lý kênh đào đưa ra" – ông Smith khẳng định, đồng thời nói rằng con số này có thể rơi vào khoảng 15 triệu USD/ngày.
Theo các chuyên gia bảo hiểm, chi phí cứu hộ sẽ dồn về các công ty bảo hiểm thân tàu và máy móc. Đại diện Công ty Shoei Kisen Kaisha, chủ sở hữu Nhật Bản của tàu Ever Given, tiết lộ với báo Financial Times vào tuần trước rằng khoản bảo hiểm này do Tập đoàn Bảo hiểm MS&AD (trụ sở Tokyo) cung cấp.
Những yêu cầu khác có thể dồn về bảo hiểm bồi thường và bảo vệ của tàu, được cung cấp bởi UK P&I Club (Anh) – một công ty bảo hiểm tương hỗ thuộc sở hữu của các chủ tàu. Trong khuôn khổ của một thỏa thuận đã có, UK P&I Club sẽ trả 10 triệu USD đầu tiên cho bất kỳ yêu cầu bồi thường nào. Những khoản mất mát tiếp theo lên đến mốc 100 triệu USD sẽ được chia sẻ với nhóm 13 công ty tương tự thuộc Tập đoàn International Group of P&I Clubs.
Nỗ lực giải cứu con tàu nặng 220.000 tấn đòi hỏi kết hợp nạo vét, kéo và đẩy. Ảnh: Reuters
Một số chuyên gia hàng hải cho rằng chi phí tổng có thể không quá 100 triệu USD. "Đây là một sự cố gây tổn thất lớn về mặt kinh tế nhưng không phải là một thảm họa tổn tất bảo hiểm" – chuyên gia Marcus Baker của Công ty môi giới bảo hiểm Marsh (trụ sở New York) khẳng định.
Người đứng đầu Cơ quan Quản lý Kênh đào Suez (SCA) của Ai Cập, ông Osama Rabie, đêm 29-3 (giờ địa phương) cho biết giao thông hàng thủy trên kênh đào Suez đã được nối lại.
Với việc tàu Ever Given đã được giải cứu, 113 tàu dự kiến đi qua kênh đào Suez ở cả 2 phía đến sáng 30-3, ông Rabie cho biết thêm. Tổng cộng, có 422 tàu chờ để băng qua kênh đào Suez và sự tồn đọng này có thể được giải quyết trong vòng 4 ngày, theo ông Rabie.
Theo Reuters, khoảng 30.000 m3 cát đã được nạo vét để giải cứu Ever Given kể từ khi con tàu dài 400 m này mặc cạn vào ngày 23-3. Nỗ lực giải cứu còn có sự tham gia của tổng cộng 11 tàu kéo nhỏ và 2 tàu kéo lớn.
Nếu phải tháo dỡ container để giải cứu tàu Ever Given, chi phí sẽ cao hơn rất nhiều. Ảnh: EPA
Bình luận (0)