Hồng Kông được Anh trao trả lại cho Trung Quốc vào ngày 1-7-1997 dưới nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ" để đảm bảo mức độ tự trị cao, trong đó có hệ thống tư pháp độc lập. Tuy nhiên, trong khuôn khổ của bộ luật nêu trên, những hành vi phạm tội liên quan đến ly khai và xúi giục chống phá sẽ bị phạt tù giam tối đa chung thân.
Mặc dù giới chức Bắc Kinh và Hồng Kông đã tuyên bố rằng bộ luật sẽ chỉ nhằm vào nhóm nhỏ mà họ gọi là "những đối tượng chống phá", giới ngoại giao, các nhóm doanh nhân và những nhà hoạt động vì nhân quyên khẳng định đây là minh chứng mới nhất cho thấy Bắc Kinh đang siết chặt kiểm soát đặc khu.
Bộ luật cũng có thể cho phép tịch thu những số tiền thu được liên quan đến mọi hành vi đe dọa an ninh quốc gia, đồng thời yêu cầu các tổ chức chính trị cũng như đặc vụ nước ngoài và Đài Loan cung cấp thông tin về những hoạt động liên quan đến Hồng Kông.
Những người phản đối cho rằng luật an ninh Hồng Kông có thể phá hủy mức độ tự trị cao của đặc khu này. Ảnh: New York Times
Một vài cuộc biểu tình phản đối bộ luật nêu trên đã diễn biến bạo lực giữa cảnh sát và người biểu tình.
Tại London hôm 6-7, cáo buộc Anh can thiệp và đưa ra những phát ngôn vô trách nhiệm liên quan đến hành động áp luật của Bắc Kinh, Đại sứ Trung Quốc Liu Xiaoming đã cảnh báo về "nhiều hậu quả" nghiêm trọng. Lời cảnh báo này được đưa ra sau khi Anh mô tả bộ luật nêu trên là một sự vi phạm "rõ ràng và nghiêm trọng" đối với Tuyên bố chung Trung-Anh 1984.
Trước đó, vào ngày 30-6, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ký ban hành bộ luật nêu trên. Có hiệu lực tức thì, bộ luật cấm biểu tình bạo loạn, hình sự hóa mọi hành vi lật đổ và thông đồng với các thế lực nước ngoài.
Bộ luật vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các chính phủ phương Tây và giới hoạt động vì dân chủ ở Hồng Kông, những người cho rằng nó là dấu chấm hết cho nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ".
Người dân Hồng Kông trong một cuộc biểu tình phản đối luật an ninh Hồng Kông hôm 3-7. Ảnh: Reuters
Bình luận (0)