Theo thông báo ngày 3-7, ông Trịnh Nhạn Hùng được bổ nhiệm làm người đứng đầu cơ quan mới đầy quyền lực được thành lập tại Hồng Kông để giám sát việc thực thi luật an ninh quốc gia một cách sát sao nhất.
Ông Trịnh là người ở Quảng Đông, có thời gian dài công tác tại tỉnh này và chưa bao giờ giữ một vị trí nào trong các chính quyền bên ngoài Quảng Đông - tỉnh nằm sát Hồng Kông và là nơi có đặc khu kinh tế Thâm Quyến. Ông từng phụ trách ban tuyên giáo tỉnh ủy từ năm 2013 đến 2018.
Ông Trịnh có thể nói tiếng Quảng Đông và được biết đến với cách giải quyết cứng rắn trong việc xử lý vụ biểu tình ở làng Ô Khảm năm 2011, khi còn là bí thư đảng ủy TP Sán Vĩ ở tỉnh Quảng Đông. Theo các nhà phân tích đại lục, ông Trịnh cũng rất quen thuộc, có kinh nghiệm ứng phó với truyền thông Hồng Kông.
Ông Trịnh Nhạn Hùng - trưởng Văn phòng An ninh quốc gia của chính quyền trung ương Trung Quốc tại đặc khu hành chính Hồng Kông. Ảnh: VCG
Các nhà nghiên cứu về các vấn đề Hồng Kông ở đại lục cho rằng việc bổ nhiệm ông Trịnh cho thấy Chủ tịch Tập Cận Bình muốn chọn một người cứng rắn, quen với hoạt động tuyên truyền và các vấn đề Hồng Kông. Giáo sư Tạ Mậu Tùng thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc nhận định quyết định bổ nhiệm phản ánh cách Bắc Kinh nhìn nhận vai trò của văn phòng.
Cũng theo quyết định bổ nhiệm, ông Lý Giang Châu và ông Tôn Thanh Dã đảm nhận chức vụ phó Văn phòng, xử lý các hoạt động hàng ngày của văn phòng. Ông Lý Giang Châu và ông Tôn Thanh Dã, từng hoặc đang làm việc tại Bộ An ninh Nhà nước.
Ông Lý, sinh năm 1968, tốt nghiệp Trường ĐH Công an Nhân dân Trung Quốc và gia nhập Bộ An ninh Nhà nước năm 1990. Trước khi đến Hồng Kông làm trưởng bộ phận liên lạc công an thuộc văn phòng liên lạc của chính quyền trung ương Trung Quốc tại đặc khu này, ông chủ yếu phụ trách các hoạt động an ninh nội địa và chuyên thu thập tình báo.
Ông Tôn đến từ Bộ An ninh Nhà nước nhưng lý lịch chưa được tiết lộ thêm.
Cảnh sát trấn áp một người biểu tình ở Hong Kong hôm 1-7. Ảnh: Zuma Press
Theo các nguồn tin, cơ cấu văn phòng và thông tin về các quan chức trong văn phòng cũng cố tránh không gợi sự quan tâm chú ý quá nhiều từ dư luận. Tờ South China Morning Post dẫn lời giáo sư Tạ Mậu Tùng cho rằng cơ cấu quan chức văn phòng phản ánh khái niệm an ninh quốc gia của Chủ tịch Tập Cận Bình. Nó không chỉ gồm những người từ bộ an ninh, tình báo, mà cả những người từ bộ phận tuyên truyền và ngoại giao.
Các nhà quan sát cho rằng việc ông Trịnh gắn bó nhiều năm với Quảng Đông cũng là lợi thế, bên cạnh chuyện ông biết phương ngữ Quảng Đông. Giáo sư Tạ nhận xét: "Quảng Đông trước nay là một căn cứ để bảo vệ an ninh quốc gia tại cửa ngõ phía Nam Trung Quốc. Bây giờ, nó giống như cổng dẫn đến Hồng Kông"
Văn phòng Bảo vệ An ninh Quốc gia là "tiền đồn" thứ tư của Bắc Kinh được thành lập tại Hồng Kông. Văn phòng có nhiệm vụ đánh giá tình hình an ninh ở Hồng Kông, đưa ra những đề xuất về chính sách cũng như chiến lược quan trọng trong việc duy trì an ninh, có thẩm quyền trong các trường hợp nghiêm trọng và vượt ngoài tầm xử lý của chính quyền Hồng Kông.
Cùng ngày 3-7, chính phủ Trung Quốc bổ nhiệm ông Lạc Huệ Ninh - hiện là giám đốc Văn phòng liên lạc của Bắc Kinh ở Hồng Kong - làm cố vấn an ninh quốc gia tại Ủy ban An ninh quốc gia mới được thành lập của chính quyền Hồng Kông. Ủy ban này do trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) đứng đầu.
Bổ nhiệm này được đánh giá là tích hợp hoàn toàn bộ máy an ninh quốc gia của chính quyền trung ương và của Hồng Kông.
Bình luận (0)