Bắt nguồn từ cuộc cắm trại biểu tình “Chiếm phố Wall” ở New York, hàng ngàn người trên khắp thế giới đã xuống đường trong “ngày thứ bảy biểu tình toàn cầu” để phản đối các chính sách cứu trợ các ngân hàng, chính trị gia của chính phủ.
Các cuộc biểu tình nhanh chóng lan khắp châu Âu, châu Á. Cuộc biểu tình lớn nhất nổ ra tại Rome (Ý), một nhóm người đeo mặt nạ đã đập phá cửa hàng, xe cộ trên đường khiến cảnh sát phải vào bắn đạn hơi cay, dùng vòi rồng và dùi cui để giải tán đám đông. Cuộc đụng độ kéo dài đến tối.
Những người biểu tình giơ cao biểu ngữ phê phán những chính sách kinh tế “làm tổn thương người nghèo”. Bạo lực tăng cao làm cho nhiều người dân địa phương phải lánh vào khách sạn, nhà thờ. Ít nhất 70 người bị thương sau khi xảy ra một cuộc biểu tình ở Ý.
Thủ tướng Ý quan ngại tình trạng bạo lực trong khi Thị trưởng thành Rome, Gianni Alemanno đổ lỗi một số kẻ quá khích thâm nhập và kích động bạo lực tại cuộc biểu tình.
Cũng trong ngày 15-10, cảnh sát ở New York đã bắt giữ khoảng 70 người biểu tình di chuyển đến Quảng trường Thời đại. Trong đó, 45 người bị bắt tại quảng trường và 24 người bị bắt do xâm phạm chi nhánh ngân hàng Citibank.
Đến 20 giờ cùng ngày, cảnh sát đã bắt thêm 42 người và phong tỏa các vỉa hè. Người biểu tình than phiền rằng họ đã không có nơi để đi với một bức tường cảnh sát chống bạo động bánh trước mặt họ và hàng ngàn người biểu tình phía sau họ.
Tại Auckland, thành phố lớn nhất New Zealand, 3.000 người hô vang và gõ trống. Ở Sydney, khoảng 2.000 người, gồm đại diện của các nhóm thổ dân, đoàn viên nghiệp đoàn phản đối bên ngoài Ngân hàng Dự trữ trung ương của Úc.
Hàng trăm người diễu hành ở Tokyo (Nhật Bản) và hơn 100 người tụ tập tại Đài Bắc (Đài Loan) phê phán tăng trưởng kinh tế chỉ các công ty và tầng lớp trung lưu hưởng lợi.
Tại Bồ Đào Nha, hơn 20.000 người diễu hành ở Lisbon và thành phố Oporto, hai ngày sau khi chính phủ công bố một loạt các biện pháp thắt lưng buộc bụng. Các cuộc biểu tình cũng diễn ra ở Hy Lạp, ở Pháp với sự tham gia của hàng ngàn người.
Bình luận (0)