Mới đây nhất, chúng ta suýt phải chứng kiến một trong những cuộc xung đột đầu tiên kiểu này nổ ra ở miền Bắc Iraq, nơi có 2 đồng minh thân cận của Mỹ.
Tâm điểm tranh chấp xoay quanh Kirkuk, một thành phố nằm cạnh nhiều giếng dầu lớn, đa dạng về chủng tộc và tôn giáo - người Kurd, Ả Rập và Turkmen cùng chung sống. Thành phố do lực lượng người Kurd kiểm soát từ năm 2014 nhưng mới bị quân đội Iraq giành lại gần đây.
Tình hình xấu đi nhanh đến không ngờ. Chỉ mới mấy tháng trước, Bộ Ngoại giao Mỹ nói mức độ hợp tác giữa chính phủ Iraq và khu tự trị người Kurd là "chưa từng có tiền lệ". Mọi chuyện thay đổi khi ông Masoud Barzani, lãnh đạo khu tự trị, tổ chức trưng cầu dân ý về việc độc lập hồi cuối tháng 9. Cả chính phủ Baghdad lẫn hầu hết cộng đồng quốc tế, bao gồm Mỹ, phản đối cuộc trưng cầu. Các nước láng giềng của Iraq đều căng thẳng, nhất là Iran, bởi cộng đồng người Kurd ở 2 nước này rất gần gũi với nhau.
Quân đội Iraq tiến vào TP Kirkuk hồi giữa tháng 10. Ảnh: REUTERS
Dù vậy, việc quân đội chính phủ dễ dàng giành lại Kirkuk cho thấy trong lòng xã hội người Kurd ở Iraq có sự chia rẽ. Bộ Chỉ huy Peshmerga, cùng phía với ông Barzani và Đảng Dân chủ Kurdistan, cáo buộc nhiều quan chức bên Đảng Liên đoàn người Kurd yêu nước đối lập "chống lại người Kurd".
Nhiều nhà quan sát cũng chỉ trích Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi tìm đến giải pháp quân sự quá sớm và có thể là theo yêu cầu của Iran, nước hiện là đồng minh của chính phủ Baghdad do người Shiite thống trị. Iran dễ hưởng lợi từ tình hình hiện nay. Mâu thuẫn không chỉ làm suy yếu sự đoàn kết của người Kurd mà còn củng cố vai trò của các nhóm vũ trang do Iran hậu thuẫn ở Iraq. Trong khi đó, Mỹ bị đẩy vào thế khó: Sẽ làm suy yếu ông Abadi nếu phê phán chính phủ Iraq quá công khai nhưng nếu không phê phán lại bị cho là phản bội người Kurd.
Rõ ràng là Mỹ nên xoa dịu căng thẳng hiện nay nhưng nếu Tổng thống Donald Trump đổi ý và chọn đứng về một bên, ông sẽ đẩy một mối quan hệ then chốt của Mỹ vào chỗ nguy hiểm và giúp Iran chiếm thế thượng phong.
Bình luận (0)