Đó là đêm 13-6, khoảng 20 giờ. Larossi Abballa, 25 tuổi, cầm dao đâm chết ông Jean-Baptiste Salvaing - 42 tuổi, Phó trưởng Đồn Cảnh sát Mureaux - ngay trước nhà ông ở Magnanville. Xong, hắn vào nhà cắt cổ vợ ông ngay trước mặt đứa con trai 3 tuổi rưỡi.
Thông điệp rợn người
Sau đó, trong một diễn biến chưa có tiền lệ, Abballa dùng điện thoại quay thi thể vợ chồng nạn nhân kèm theo một thông điệp sặc mùi Hồi giáo cực đoan rợn người.
Đoạn video dài 13 phút 16 giây phát trên tài khoản Facebook của hung thủ lúc 20 giờ 52 phút bao gồm lời tuyên thệ trung thành với Abu Bakr al-Baghdadi, thủ lĩnh tối cao Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, lời kêu gọi các chiến hữu đẩy mạnh tấn công khủng bố “biến châu Âu thành bãi tha ma”, phát lệnh tấn công theo danh sách do hắn chọn và cuối cùng là thông điệp gửi cho người thân trong gia đình.
Tất cả được soạn trên giấy, Abballa đọc “một cách bình tĩnh với nụ cười trên môi”. Hắn dùng máy tính trong nhà ông Salvaing phát trực tiếp trên Facebook cho 98 bạn bè của mình xem trong lúc cảnh sát chống khủng bố bao vây bên ngoài.
Đáng chú ý, danh sách đối tượng mà Abballa yêu cầu các chiến hữu triệt hạ gồm 5 nhà báo, một giáo sư đại học, tất cả được nêu đích danh, cho thấy hắn đã nghiên cứu rất kỹ trước khi hành động. Ngoài ra, trong danh sách này còn có ca sĩ nhạc rap, cảnh sát và giám thị nhà tù. Riêng trong thông điệp gửi cho gia đình, Abballa viết: “Cả nhà không ai thấu hiểu con đường tôi đã chọn, đó là con đường của nhà tiên tri. Tôi không hề điên như cả nhà tưởng”.
Chiến binh vương quốc Hồi giáo
Từ năm 2012 trở về trước, khủng bố Hồi giáo tự phát, tự hành động kiểu Larossi Abballa được gọi là “sói độc”. Gần đây, khi số lượng “chiến binh thánh chiến tự biên tự diễn” gia tăng bất thường, khái niệm “sói độc” đã được Lực lượng Đặc nhiệm Hiến binh quốc gia Pháp (GIGN) thay thế bằng “chiến binh vương quốc Hồi giáo” (Soldat du Califat).
Loại chiến binh này ở trong nước chỉ cần thỏa mãn 2 điều kiện đơn giản: Lên mạng internet và liên hệ với IS để được chấp nhận. IS sẽ giao nhiệm vụ chung chung. Đương sự tự chọn đối tượng, phương tiện và thời điểm hành động, sau đó gửi cho IS hình ảnh, video hay báo cáo viết tay để làm bằng chứng.
Ông Hubert Bonneau, Giám đốc GIGN, giải thích: “Trước đây, người ta hiểu nhầm định nghĩa “sói độc”, nay nên gọi là “thánh chiến quân độc diễn” (Solo-Djihad). Nói cách khác, một hình thức chuyển nhượng thương hiệu (khủng bố) đang có xu hướng phát triển mạnh, đặc biệt ở châu Âu”. Theo ông, IS đang suy yếu ở Trung Đông, việc gia tăng chiến binh thánh chiến tự biên tự diễn được IS khuyến khích. Abballa thuộc dạng này.
Bộ Nội vụ bị chỉ trích
Sinh ngày 28-3-1991 tại Meulan-en-Yvelines, Abballa dính líu đến pháp luật từ năm 17 tuổi về tội trộm cắp, chạy xe không có bằng lái… Tháng 9-2010, hắn lọt vào tầm ngắm của Tổng cục An ninh Nội chính (DGSI) vì giao du với Niaz Abdul Raseed - 33 tuổi, một tín đồ Hồi giáo cực đoan gốc Ấn Độ - và 2 tên khả nghi khác là Zohab Ifzal và Charaf-Din Aberouz, từng đến Lahore - Pakistan gặp lãnh đạo cao cấp al-Qaeda.
Cả bọn tuyển chọn và huấn luyện 8 thanh niên tại chỗ để gửi đi Pakistan, Afghanistan tham gia phong trào thánh chiến. Vì vụ này, ngày 30-9-2013, Abballa bị Tòa án Paris tuyên án 3 năm tù, trong đó có 6 tháng tù treo. Án nhẹ như vậy bởi hội đồng xét xử nhận định rằng bị cáo bị Raseed dụ dỗ trong lúc thất nghiệp lại vừa thi rớt.
Mãn hạn tù, Abballa vẫn bị giám sát ngày đêm cho đến ngày 30-12-2015 với nhận xét cuối cùng “không thấy gì bất thường, ngoài chuyện chăm chỉ đi cầu nguyện”. Từ tháng 4 đến tháng 8-2015, Abballa còn bị DGSI nghe lén điện thoại. Kết quả cũng “không có gì đáng chú ý”.
Ngành cảnh sát và hiến binh Pháp thắc mắc tự hỏi: “Phải chăng Abballa dụng kế “kim thiền thoát xác” quá giỏi?”. Theo họ, sự thật hình như không đúng như thế. Đối tượng từng 4 lần vào tù ra khám, có hồ sơ S (an ninh) tại DGSI, từng đi hành hương ở Mecca hồi cuối tháng 2-2016 (nhờ nghe lén mà biết) nhưng nói trớ là đi du lịch Thổ Nhĩ Kỳ, từng tuyên thệ trung thành với thủ lĩnh tối cao IS trên Facebook trước khi gây án 3 tuần, từng bị câu lưu hồi tháng 3 vừa qua tại một điểm cách đại lộ Champs-Élysées vài bước... Câu hỏi đặt ra là tại sao an ninh không dùng biện pháp giam lỏng Abballa tại nhà?
Vụ án ở Magnanville là một thất bại cay đắng của ngành an ninh, nhất là của đơn vị chống khủng bố. Trong 6 năm theo dõi, giám sát, bỏ tù đối tượng, họ đánh giá quá thấp Larossi Abballa, coi hắn chỉ là một “phần tử không quan trọng”, “thứ yếu”…
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 25-6
IS kiểm duyệt video của Abballa
Đoạn băng video phát live trên Facebook của Larossi Abballa đã được Amaq, cơ quan ngôn luận của IS, ghi nhận và phát lại trên internet. Cuộn băng gốc dài 13 phút 16 giây nhưng bị kiểm duyệt còn 11 phút 43 giây. Tại sao? Tuần báo Pháp L’Express dẫn nguồn tin cảnh sát Pháp cho biết những đoạn bị cắt không có lợi cho IS. Cụ thể, ở đoạn cuối, hung thủ lộ vẻ bối rối. Hắn gãi má, thở dài một tiếng, bắt đầu nói một câu gì đó nhưng không đầu không đuôi. Khi đó, lực lượng cảnh sát chống khủng bố Pháp tấn công rất rát, trong băng nghe vọng tiếng súng khá đanh. Có lẽ Abballa biết mình sắp chết.
IS cũng cắt đoạn camera hướng về con của nạn nhân nằm bất động nhưng còn sống. David Thomson, chuyên gia về IS, giải thích: Theo quan điểm của IS, Abballa không giết đứa bé là một dấu hiệu hèn yếu cho nên cắt bỏ.
Bình luận (0)