Các quan chức Lầu Năm Góc giấu tên cho biết vụ chặn máy bay hôm 6-6 có sự tham gia của máy bay chiến đấu J-10 Trung Quốc và máy bay trinh sát RC-135 của không quân Mỹ. Các quan chức cho biết phi công Mỹ coi cuộc chạm trán là “không an toàn” vì máy bay Trung Quốc di chuyển với “tốc độ cao”.
Đài CNN dẫn lời các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết máy bay Trung Quốc bay chỉ cách máy bay Mỹ trong khoảng 30 m. RC-135 khi đó đang làm nhiệm vụ thường xuyên trên không phận quốc tế ở ở biển Hoa Đông.
Các quan chức Mỹ không nói rõ liệu máy bay nước này có tránh chiến đấu cơ Trung Quốc hay không hoặc J-10 bay tách ra vào thời điểm nào. Họ cũng chưa rõ liệu Washington có phản ứng ngoại giao sau sự việc hay không. Bắc Kinh cũng chưa đưa ra bình luận nào.
Máy bay chiến đấu J-10 của Trung Quốc Ảnh: TÂN HOA XÃ
Một trực thăng giám sát biển của Trung Quốc rơi xuống biển Hoa Đông hôm 7-6, làm toàn bộ 4 người trên khoang thiệt mạng.
Theo Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc, trực thăng mất liên lạc sau khi thực hiện nhiệm vụ giám sát tình hình môi trường biển và sử dụng các đảo của tỉnh Chiết Giang.
Trung Quốc triển khai lực lượng cứu hộ trên biển gồm 18 tàu và 4 trực thăng, sau đó phát hiện mảnh vỡ trực thăng cùng 4 thi thể vào chiều tối cùng ngày.
Lần cuối Trung Quốc triển khai máy bay chiến đấu chặn máy bay do thám Mỹ gần biển Hoa Đông là vào quý cuối của năm 2015. Ngày 15-9, hai máy bay chiến đấu Trung Quốc chặn phi cơ RC-135 ở cách bán đảo Sơn Đông khoảng 130 km về phía Đông trên biển Hoàng Hải.
Hai máy bay chiến đấu Trung Quốc tháng trước bay cách máy bay EP-3 của Mỹ trong khoảng 15 m trên biển Đông. Lầu Năm Góc xác định vụ việc hồi tháng 5 vi phạm thoả thuận hai chính phủ ký năm ngoái.
Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc trên biển Đông đang ở mức cao sau khi Trung Quốc ngang nhiên bồi lấp nhiều bãi đá mà họ chiếm trái phép thành đảo nhân tạo, đồng thời ráo riết thực hiện chủ trương quân sự hóa vùng biển này.
Đầu tuần này, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định Mỹ xem việc Trung Quốc muốn đơn phương thành lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên biển Đông như là một “hành động khiêu khích và gây mất ổn định” khu vực.
Trái lại, Bắc Kinh nhiều lần chỉ trích Nhà Trắng điều tàu và phi cơ tuần tra gần những đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi lấp cũng như việc diễn tập ở châu Á.
Bình luận (0)