Các quan chức quốc phòng, ngoại giao, nhà phân tích chiến lược khu vực cho biết họ đang phân tích chặt chẽ các tín hiệu từ tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper về chiến lược, đầu tư và triển khai quân đội Mỹ trong khu vực. Thu hút sự chú ý mới đây là những bình luận của ông chủ Lầu Năm Góc trong chuyến công du châu Á, tại đây ông Esper bày tỏ hy vọng sớm triển khai các tên lửa thông thường tầm trung trong khu vực. Ông Esper đã đưa ra bình luận một ngày sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).
Washington viện dẫn lý do Nga không tuân thủ hiệp ước năm 1987 và ông Esper cho rằng muốn triển khai các tên lửa với khả năng tiên tiến hơn trong khu vực sớm nhất có thể. Ở khu vực Thái Bình Dương, các nhà quan sát nhận định Úc và Hàn Quốc có thể được chọn là địa điểm tiềm năng triển khai tên lửa của Mỹ nhưng lãnh đạo các nước này khẳng định không đàm phán với Washington về các kế hoạch như vậy.
Tàu sân bay USS George Washington của Mỹ neo đậu ở TP Busan - Hàn Quốc Ảnh: AP
Theo tờ South China Morning Post (Hồng Kông), Mỹ có khoảng 800 căn cứ trải rộng trên mọi lục địa, ngoại trừ Nam Cực. Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, các căn cứ của Mỹ kéo dài từ căn cứ không quân Kadena ở Nhật Bản, căn cứ không quân Andersen ở Guam đến các cơ sở nhỏ không cố định phục vụ tiếp nhiên liệu và neo đậu phương tiện không quân và hải quân ở những nơi như Singapore và Thái Lan.
Tuy nhiên, các nhà phân tích khu vực cho rằng bất kỳ nỗ lực nào của Washington nhằm bổ sung các cơ sở hiện có ở nước ngoài sẽ phải đối mặt với vô số rào cản, trong số đó có cả sự phản đối gay gắt từ trong nước. Nhà phân tích hải quân Singapore Collin Koh thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (Singapore) nhận định thậm chí Nam Thái Bình Dương, nơi được xem là điểm đến mới của các căn cứ Mỹ, việc tiếp cận cũng chưa chắc được bảo đảm, đặc biệt là nhiều quốc gia ở đây không muốn chọc giận Trung Quốc.
Ông Kashish Parpiani thuộc Tổ chức Nghiên cứu quan sát (Ấn Độ) nhận định New Delhi dưới thời Thủ tướng Narendra Modi đã phát triển quan hệ quốc phòng với Mỹ bất kể bất đồng trên các mặt trận khác như thương mại. Tuy nhiên, ông Pankaj Jha, giáo sư về nghiên cứu quốc phòng và chiến lược tại Trường ĐH Toàn cầu O.P. Jindal (Ấn Độ), cho rằng: "Ấn Độ sẽ không bao giờ gây chiến với Trung Quốc và Bắc Kinh cũng không muốn gây hấn với New Delhi. Lựa chọn của Mỹ liên quan đến việc lôi kéo Ấn Độ vào một chiến lược chống Trung Quốc là rất hạn chế".
Trong khi đó, ông Michael H. Fuchs, cựu trợ lý hàng đầu của cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, hiểu được những hoài nghi của giới chức quốc phòng trong khu vực về chiến lược châu Á của Mỹ bất chấp nỗ lực của Bộ Ngoại giao Mỹ và Lầu Năm Góc. Cựu quan chức này cho rằng Tổng thống Trump đặc biệt quan tâm vấn đề thương mại và Triều Tiên mà không có bất kỳ chiến lược nào khác.
Ông Fuchs phản đối việc Tổng thống Trump chấm dứt chiến lược dài hạn ở châu Á của những người tiền nhiệm, thay vào đó bắt đầu cuộc chiến thương mại và có mối quan hệ gần gũi với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cho đến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Cựu Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á - Thái Bình Dương này cảnh báo việc hoạch định chính sách quốc phòng ở Mỹ cho thấy khả năng chiến lược của Mỹ ở châu Á là không thể đoán trước trong nhiều năm khi sự thay đổi tại Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao có thể sẽ trở thành thông lệ nếu ông Trump tái đắc cử vào năm tới.
Bình luận (0)