Trong cuộc trao đổi bàn tròn với báo chí Việt Nam tại Hà Nội chiều 23-8, ông Elbridge Colby, nguyên Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về chiến lược và phát triển lực lượng của Mỹ, cho rằng Trung Quốc đang tìm cách trở thành bá quyền, lấn át, chi phối trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Bắc Kinh muốn chi phối, tạo luật chơi với các quốc gia trong khu vực.
Quan điểm của Mỹ là muốn có một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng mở tự do, nơi các quốc gia có quyền quyết định tương lai, về cách tiến hành giao thương, quan hệ an ninh, kết nối về mặt chính trị… "Điều đó cũng phù hợp với lợi ích các quốc gia trong khu vực, họ không muốn sống dưới cái bóng của Trung Quốc" - ông khẳng định.
Nhìn nhận động thái Trung Quốc điều nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 xâm phạm thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên biển Đông thời gian qua, chuyên gia về chiến lược quốc phòng này cho rằng đây là vấn đề đặc biệt quan ngại. Trung Quốc đang thực hiện chiến lược "cắt lát salami" hay còn gọi là chiến lược "tằm ăn dâu", áp dụng đối với Việt Nam và Philippines. Khẳng định Mỹ không chấp nhận việc Trung Quốc tạo ra và kiểm soát các đảo nhân tạo, ông nhấn mạnh đây là sự vi phạm các cam kết. Trung Quốc đang sử dụng các hòn đảo đó đe dọa Việt Nam và Philippines.
Chuyên gia Colby cũng nhấn mạnh mặc dù Trung Quốc đã phê chuẩn và tham gia Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) song lại vi phạm những quy định của Công ước này. Vào năm 2016, Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS 1982 đã ra phán quyết vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc. Philippines đã thắng kiện nhưng Trung Quốc vẫn phớt lờ phán quyết này. "Rõ ràng chúng ta cần tạo ra luật chơi và các quốc gia cần tôn trọng luật chơi như vậy" - ông nhấn mạnh.
Ông Elbridge Colby (thứ 3 từ trái sang) tại cuộc trao đổi bàn tròn với báo chí Việt Nam ở Hà Nội chiều 23-8
Chuyên gia quốc phòng này cho rằng việc Mỹ thực hiện các hoạt động tuần tra biển Đông ở khu vực dù rất tốt nhưng chưa đủ để đem lại sự thay đổi trong tính toán của Trung Quốc. Bắc Kinh vẫn tiếp tục lợi dụng những kẽ hở đó bằng các hoạt động cụ thể ở khu vực biển Đông. Ngoài ra, Trung Quốc đang tiếp tục lợi dụng cách làm là thực hiện các hành động luôn để những căng thẳng ở dưới ngưỡng xung đột, song nếu nước này ra tay chớp nhoáng và tạo ra những thực tế mới, sẽ rất khó có thể đảo ngược.
Rõ ràng Mỹ phải thực hiện những biện pháp khác và phải làm nhiều hơn nữa trước thực tế đó. Có thể thực hiện những động thái mạnh mẽ hơn bằng cách công nhận việc khẳng định chủ quyền của các nước như Việt Nam, Philippines... "Đây là quan điểm cá nhân tôi, chưa có bất kỳ dấu hiệu nào từ chính quyền Mỹ sẽ làm điều đó, song đây là điều nên cân nhắc" - ông nói.
Trước mắt, theo ông Colby, Mỹ đã có 2 động thái trước tình hình này: Lên tiếng ủng hộ về mặt chính trị đối với lập trường của Việt Nam trên biển Đông; đồng thời giúp nâng cao năng lực để Việt Nam có thể tự bảo vệ cũng như khẳng định chủ quyền ở biển Đông. "Mỹ hoàn toàn tôn trọng chính sách đối ngoại độc lập của Việt Nam và mong muốn giúp Việt Nam trở nên hùng cường, mạnh mẽ hơn. Khi Việt Nam hùng cường hơn, khả năng gây sức ép từ phía Trung Quốc sẽ giảm đi" - ông nhấn mạnh.
Cũng theo chuyên gia này, Mỹ và Việt Nam có cơ sở để hợp tác quốc phòng. "Phía Mỹ muốn Việt Nam xây dựng và nâng cao hệ thống chống tiếp cận/chống đột nhập (A2/AD), tăng cường hệ thống phòng không, hệ thống phòng thủ tên lửa, thu thập thông tin tình báo, xây dựng và tăng cường hệ thống tên lửa chống hạm, chống tàu ngầm để khiến Trung Quốc khó có khả năng ra tay và sử dụng sức mạnh của họ hơn" - ông cho biết.
Bắc Kinh phớt lờ sự phản đối của cộng đồng quốc tế
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 22-8 cho biết Washington quan ngại sâu sắc trước hành động can thiệp của Trung Quốc đối với các hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam. Tuyên bố của bộ này nhấn mạnh những hành động của Trung Quốc đã làm dấy lên nghi ngại nghiêm trọng về cam kết giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển của Bắc Kinh. Cũng theo Bộ Ngoại giao Mỹ, việc Trung Quốc tái triển khai tàu khảo sát Hải Dương 8 được hộ tống bởi tàu vũ trang ở ngoài khơi Việt Nam ngày 13-8 là "hành động leo thang" của Bắc Kinh trong "nỗ lực nhằm hăm dọa các bên còn lại từ bỏ phát triển tài nguyên trên biển Đông".
Trong khi đó, tờ The Times of India (Ấn Độ) hôm 22-8 có bài viết nhận định hành động đơn phương của Trung Quốc ở biển Đông không giúp ích cho ai, trong đó có cả Bắc Kinh.Theo bài viết, những hành động của Bắc Kinh thời gian qua chỉ có thể được mô tả là "thủ đoạn bắt nạt". Việc Trung Quốc đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 trở lại vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng phớt lờ sự phản đối của cộng đồng quốc tế. Hành động này cũng cho thấy tư duy "nước lớn" của Trung Quốc, theo đó xem biển Đông là "ao làng" của mình. Cuối cùng, bài viết nhấn mạnh Trung Quốc cần tránh những hành động gây bất ổn ở biển Đông và đẩy nhanh hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) có hiệu lực và ràng buộc về pháp lý.
Hoàng Phương
Bình luận (0)