Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter hôm 7-4 đã bắt đầu chuyến công du đầu tiên tới châu Á trên cương vị người đứng đầu Lầu Năm Góc. Ông dự kiến gặp các nhà lãnh đạo Nhật Bản trong 2 ngày 8 và 9-4 trước khi sang Hàn Quốc.
Phát biểu ngay trước thềm chuyến đi, ông chủ Lầu Năm Góc cho biết chính quyền Mỹ đang mở ra giai đoạn mới trong chiến lược xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương bằng việc đầu tư vào các vũ khí công nghệ cao như máy bay ném bom tàng hình tầm xa và tên lửa hành trình chống hạm mới, song song đó là mở rộng các mối quan hệ đối tác thương mại.
“Tôi sẽ đích thân giám sát giai đoạn mới của chiến lược tái cân bằng, vốn là kế hoạch nhằm đẩy mạnh và đa dạng hóa sự gắn kết của chúng tôi trong khu vực” - ông Carter nhấn mạnh trong bài phát biểu tại Trường ĐH Arizona. Ông chủ Lầu Năm Góc cũng nêu bật rằng Thái Bình Dương là khu vực định hình cho tương lai của Mỹ, bất chấp các thách thức đang gia tăng tại Trung Đông và châu Âu.
Theo hãng tin AP, những nội dung trong bài phát biểu quan trọng đầu tiên tập trung vào châu Á - Thái Bình Dương này cũng là những chủ đề dự kiến sẽ được ông Carter hướng đến trong chuyến công du một tuần tới đây.
Trước khi lên đường, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ còn hối thúc quốc hội do Đảng Cộng hòa kiểm soát sớm thông qua dự luật trao quyền đàm phán nhanh cho chính quyền Tổng thống Barack Obama để hoàn tất đàm phán về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Hiệp định này được đánh giá là một trong những phần quan trọng nhất của chính sách tái cân bằng mà Mỹ theo đuổi sau hơn một thập kỷ tập trung vào cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan. Ông Carter ví von một cách thú vị: “Đối với tôi, TPP quan trọng như có thêm một chiếc tàu sân bay” và thông qua đó làm sâu sắc hơn quan hệ với các đồng minh cũng như các đối tác tại châu Á - Thái Bình Dương.
Đề cập Trung Quốc - đất nước cũng nằm trong danh sách dự kiến tới thăm vào năm nay của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông Carter khẳng định Washington “quan ngại sâu sắc” về một số hành động của Bắc Kinh nhưng 2 cường quốc này không cần thiết phải trở thành kẻ thù.
“Mỹ và Trung Quốc không phải là đồng minh nhưng cũng không cần phải trở thành thù địch. Tôi phản đối suy nghĩ rằng Trung Quốc mạnh lên là thất bại của chúng tôi. Có một kịch bản khác mà trong đó các bên đều có lợi: Tiếp tục các thập niên hòa bình và ổn định, được hỗ trợ bởi vai trò mạnh mẽ của Mỹ. Trong đó, tất cả quốc gia châu Á - Thái Bình Dương duy trì phát triển và thịnh vượng” - Bộ trưởng Carter nhận định. Dù vậy, ông thừa nhận quan hệ Trung - Mỹ sẽ “phức tạp” khi cả 2 nước tìm cách “cạnh tranh và hợp tác”.
Mỹ - Nhật hợp tác phòng vệ
Mỹ và Nhật Bản dự kiến công bố 4 trường hợp mà quân đội 2 bên có thể hợp tác phòng vệ tập thể sau khi sửa đổi các nguyên tắc hướng dẫn hợp tác quốc phòng song phương.
Hãng tin Kyodo dẫn các nguồn tin chính phủ Nhật cho biết trường hợp đầu tiên là các sự cố an ninh (chưa phải là một vụ tấn công quân sự) xảy ra trong thời bình. Kế tiếp là những tình huống có thể ảnh hưởng đáng kể đến hòa bình và an ninh của Nhật Bản. Trường hợp thứ ba là những cuộc tấn công vũ trang nhằm vào quốc gia có quan hệ chặt chẽ với Nhật Bản, gây nguy hiểm rõ ràng đến sự tồn tại của nước này. Đối với trường hợp này, Tokyo và Washington đang xem xét hợp tác trong những lĩnh vực như phòng thủ tên lửa đạn đạo hoặc kiểm tra bắt buộc các tàu nước ngoài. Cuối cùng là trường hợp Nhật Bản bị tấn công vũ trang.
Mỹ - Nhật đang sắp xếp một cuộc họp giữa ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng 2 nước tại Washington ngày 27-4 để hoàn thành công việc sửa đổi nêu trên.
Huệ Bình
Bình luận (0)