Liên Hiệp Quốc ước tính 70% số thương vong là dân thường trong khi phía Israel nói đã tiêu diệt 230 tay súng Hamas. Phía Israel cũng thiệt mạng 32 binh sĩ và 3 dân thường.
Thương vong tăng vọt song giải pháp ngoại giao vẫn dậm chân tại chỗ, bất chấp các chuyến đi con thoi của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Trong ngày 23-7, ông Kerry lần lượt gặp Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon ở Jerusalem, sau đó gặp thống Palestine Mahmoud Abbas ở TP Ramallah thuộc Bờ Tây trước khi quay lại Tel Aviv gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
Song song đó, nhiều quốc gia Trung Đông ra sức thuyết phục Hamas đồng ý với đề xuất ngừng bắn do Ai Cập đưa ra. Nhưng thủ lĩnh Hamas Khaled Meshaal hôm 23-7 khẳng định Israel phải ngừng tấn công Dải Gaza trước rồi mới bàn đến chuyện ngừng bắn.
Cục Hàng không liên bang Mỹ tiếp tục cấm các chuyến bay của nước này đến Tel Aviv thêm 24 giờ nữa vì “tình hình nguy hiểm” ở Israel và Gaza. Máy bay Mỹ duy nhất đáp xuống Tel Aviv hôm 23-7 là chiếc Boeing 757 chở Ngoại trưởng John Kerry.
Các nỗ lực ngoại giao đó không mạnh bằng thông điệp của một người mẹ Israel. Đó là bà Rachel Fraenke - mẹ của Naftali, một trong 3 thiếu niên Do Thái bị bắt cóc và sát hại khi đang đi học về ở Bờ Tây vào tháng trước. Israel đổ lỗi vụ này cho Hamas. Sau đó, một thiếu niên Palestine bị giết. Chiến sự bùng nổ!
“Con cái của các bạn và con cái của chúng tôi, lẽ ra chúng không phải đau khổ như chúng ta từng chịu đựng” – bà Fraenkel nói. Sau khi gặp ngoại trưởng Mỹ hôm 23-7, bà nói với giới truyền thông: “Tôi bảo đảm với các bậc cha mẹ Palestine rằng tất cả những gì chúng tôi cần là được sống yên ổn, được nuôi nấng con cái mà không phải canh cánh lo sợ tên lửa hay đường hầm”.
Đáp lại, nhiều phụ huynh Palestine tố cáo Israel thảm sát thường dân ở Gaza. Một bà mẹ 2 con ở khu al-Remal thuộc Gaza nói với Đài CNN: “Chẳng ai an toàn cả. Người ta cũng chẳng biết phải chạy đi đâu vì nơi nào cũng nằm trong tầm bắn. Cứ nghe thấy tiếng đạn pháo là con tôi lại khóc nức nở”.
Trước cáo buộc Hamas dùng dân thường làm lá chắn sống của Israel và Mỹ, người Palestine phản ứng rằng cho dù họ có nghe theo cảnh báo của Israel và bỏ nhà ra đi thì cũng không biết tìm đến nơi nào để an toàn.
Hôm 23-7, Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã khởi động cuộc điều tra đối với chiến dịch của Israel tại Gaza. 29/46 thành viên hội đồng nhất trí tiến hành điều tra, bao gồm các nước Ả Rập và Hồi giáo đồng minh với Palestine cùng sự ủng hộ của Trung Quốc, Nga, các nước Mỹ Latin và châu Phi. Mỹ bỏ phiếu chống duy nhất trong khi các nước châu Âu bỏ phiếu trắng.
Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Navi Pillay tuyên bố: “Có khả năng rất cao là luật nhân đạo quốc tế đã bị vi phạm ở Gaza và có thể dẫn đến tội ác chiến tranh”.
Bình luận (0)