Ông Jamali Basri, Chủ tịch Hiệp hội ngư dân ở thành phố cảng Miri, bang Sarawak – Malaysia, cho biết gần 1.000 ngư dân của bang này hằng ngày phải sống trong sợ hãi vì mối đe dọa từ "tàu chiến Trung Quốc".
Mối lo không phải không có cơ sở khi gần đây, 2 tàu hải cảnh Trung Quốc được nhìn thấy hộ tống khoảng 100 tàu cá xâm nhập lãnh hải Malaysia gần cụm bãi cạn Luconia, cách bờ biển Miri khoảng 100 km.
Trong khi Hải quân Malaysia ít có biện pháp bảo vệ ngư dân tại các ngư trường truyền thống, ông Basri nói rằng tất cả mọi người đang lo ngại bị tàu Trung Quốc tấn công khi trước đó, tàu hải cảnh Trung Quốc từng hung hãn đâm thẳng vào tàu cá Philippines và Việt Nam hoặc bắn vòi rồng với mục đích xua đuổi.
“Nếu hải quân của chúng tôi cắm cờ và hiện diện thường xuyên tại đó (bãi cạn Luconia), chúng tôi sẽ có thêm dũng khí” – ông Basri bộc bạch với tờ The Straits Times.
Có 2 vấn đề nan giải đang tồn tại. Thứ nhất, nhu cầu về cá ngày một tăng lên. Thứ hai, các nước liên quan đến tranh chấp ở biển Đông đều muốn thực thi chủ quyền tại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình. 2 vấn đề này không khó để dẫn đến một cuộc tranh giành quyết liệt giữa các nước về nguồn cá ở biển Đông.
Kể từ cuối năm 2014, The Straits Times thống kê Indonesia đã bắt 153 tàu cá săn trộm, bao gồm 43 tàu Philippines và 1 tàu Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Malaysia tuần trước triệu tập đại sứ Trung Quốc về vụ 100 tàu cá nước này tiếp cận cụm bãi cạn Luconia.
Nhu cầu cá tự nhiên tăng cao buộc ngư dân phải xa khơi đánh bắt nếu họ không muốn mạo hiểm tham gia cuộc “chiến tranh cá” ở biển Đông. Dấu hiệu mới nhất phải kể đến vụ Argentina hồi tháng trước đánh chìm 1 tàu cá Trung Quốc đang săn bắt trộm trong vùng EEZ của họ.
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) của Liên Hiệp Quốc ước tính giá trị thương mại nghề cá năm 2015 lên đến 130 tỉ USD. Trong đó, theo một nghiên cứu của Đại học British Columbia (Canada), biển Đông cung cấp khoảng 10 triệu tấn cá vào năm ngoái, tức chiếm 12% tổng sản lượng đánh bắt trên toàn cầu mỗi năm. Tuy nhiên, con số thực tế có thể lớn hơn vì chưa tính số lượng cá bị đánh bắt trái phép.
Ngư dân Trung Quốc Li Zhongming, 38 tuổi, đến từ đảo Hải Nam, cho biết: “Việc đánh bắt cá ngày càng khó khăn. Bây giờ chúng tôi phải đi tới các vùng biển xa hơn”.
Chính vì nguyên nhân này mà tàu cá Trung Quốc thường săn bắt trộm tại một số khu vực tranh chấp như bãi cạn Scarborough ở biển Đông. Theo ông Eugenio Bito-onon, thị trưởng một thị trấn Philippines, cho hay có thể bắt gặp hơn 300 tàu cá ở phía Nam Scarborough vào bất cứ ngày nào trong năm.
Trong khi đó, ngư dân từ miền Nam Philippines mạo hiểm đi thuyền hơn 500 km đến vùng biển xung quanh đảo Sulawesi của Indonesia.
Để bảo vệ nguồn tài nguyên biển đang bị suy yếu, Philippines đang mua thêm 100 tàu tuần tra mới. Tại Indonesia, quan chức ngư nghiệp Slamet Soebjakto nói với phóng viên rằng chính phủ nước này dự định cấm tàu thuyền nước ngoài đi vào khu vực sinh sản của các loài động vật biển, bao gồm vùng biển ngoài khơi Kendari, Sikakap và Natuna.
Tuy nhiên, chắc chắn một điều, “chiến tranh cá” trong tương lai sẽ ngày càng khốc liệt hơn với đà khai thác hải sản vô tội vạ như hiện tại. Số liệu từ Cục thủy sản Phillippines cho thấy hồi năm 1970, ngư dân bắt cá trung bình có trọng lượng 20 kg nhưng giờ đây chỉ còn cá nhỏ, trung bình 4,76 kg/con.
Bình luận (0)