Viết trên trang blog The Strategist của Viện Chính sách Chiến lược Úc, nhà nghiên cứu Brendan Thomas-Noone của Trường ĐH Sydney (Úc) cho biết Bắc Kinh đã cho lắp đặt một số lượng lớn hệ thống radar trên các đảo chiếm giữ trái phép ở biển Đông những năm gần đây.
Các hệ thống này có thể sử dụng cho nhiều mục đích và tăng cường khả năng thu thập thông tin tình báo của Trung Quốc trên một khu vực rộng lớn.
Dù có vẻ không gây đe dọa lớn như các hệ thống tên lửa đất đối không hay căn cứ không quân nhưng thực ra các hệ thống radar nói trên có thể giúp Bắc Kinh theo đuổi mưu đồ kiểm soát biển Đông, khiến các nước hoạt động trong khu vực ngày càng lo ngại.
Theo bài viết, Trung Quốc ngoài mặt vẫn một mực khẳng định các thiết bị đó chỉ dùng để tìm kiếm cứu hộ. Tuy nhiên, sự mở rộng nhanh chóng của mạng lưới radar như vậy, kết hợp với mạng lưới vệ tinh tình báo và quân sự ngày càng phát triển, sẽ giúp Bắc Kinh theo dõi lực lượng quân sự nước ngoài tại khu vực.
“Điều này sẽ giúp Trung Quốc nâng cao năng lực nhắm trúng mục tiêu của kho vũ khí tên lửa đạn đạo chống hạm cũng như mở rộng phạm vi đe dọa của chiến lược A2/AD (chống tiếp cận/ngăn chặn xâm nhập) đối với những mục tiêu di chuyển như nhóm tàu sân bay” - tác giả chỉ rõ. Ngoài ra, những cơ sở trên có thể được sử dụng để phá sóng hoặc gây nhiễu radar, hệ thống cảm biến điện tử của đối phương.
Không kém cạnh, Mỹ dường như cũng đã sẵn sàng bằng cách tăng cường năng lực chiến tranh điện tử ở biển Đông.
Hồi tháng 6, Washington triển khai 4 máy bay tấn công điện tử EA-18G Growler tới Philippines để thực hiện “sứ mệnh huấn luyện song phương”. Đây là một trong những loại vũ khí tác chiến điện tử hiện đại nhất của Mỹ, có khả năng gây nhiễu các loại radar giống radar mà Trung Quốc triển khai phi pháp ở biển Đông.
Ngoài ra, máy bay trên còn có thể tham gia các sứ mệnh do thám và tình báo tín hiệu ở khu vực. Theo bài viết, những diễn biến này cho thấy khả năng Mỹ và Trung Quốc đang đối đầu trong một cuộc chiến tranh điện tử ngày một cao trên biển Đông.
Bình luận (0)