Lầu Năm Góc (Mỹ) vào tháng 5-2016 đã công bố một báo cáo vạch trần tham vọng bành trướng lãnh thổ và chiến tranh điện tử của Trung Quốc.
Lộ mưu đồ
Theo đó, quân đội Trung Quốc đã thăm dò và xâm nhập mạng lưới máy tính của Mỹ để thu thập thông tin tình báo và hậu thuẫn cho mặt trận chiến tranh điện tử trong khi vẫn tiếp tục gấp rút tăng cường năng lực tấn công tầm xa.
Báo cáo nhấn mạnh Bắc Kinh đã sục sạo mạng lưới mạng của rất nhiều lĩnh vực như ngoại giao, kinh tế và công nghiệp quốc phòng vốn hỗ trợ cho các chương trình quốc phòng của Mỹ. Động thái này phơi bày mưu đồ các nhà hoạch định quân sự Trung Quốc nhằm xây dựng một bức tranh toàn cảnh về mạng lưới quốc phòng, hậu cần và các năng lực quân sự liên quan của Mỹ. Lầu Năm Góc cho rằng kỹ năng để thực hiện các cuộc xâm nhập này cũng tương tự như các cuộc tấn công mạng của tin tặc. Phía Bắc Kinh gọi đó là những lời lẽ gây tổn hại tới sự tin tưởng lẫn nhau của quân đội 2 nước.
Báo cáo cũng vạch rõ các đảo nhân tạo phi pháp mà Bắc Kinh bồi lấn và xây dựng rầm rộ ở biển Đông không mang lại cho nước này thêm bất cứ chủ quyền lãnh thổ hay hàng hải nào nhưng họ sẽ dùng chúng làm những căn cứ quân - dân sự để bành trướng sự hiện diện ở vùng biển quan trọng này. Từ đó, Trung Quốc tìm cách mở rộng khả năng kiểm soát các không gian hàng hải gần đó.
Theo The Diplomat, Hải quân Mỹ nhiều lần than phiền gặp khó khăn trong việc thu thập dữ liệu ở khu vực biển Đông vì những biện pháp chống phá điện tử của Trung Quốc. Vào tháng 4-2015, máy bay giám sát không người lái Global Hawk Long-Range đã không thể thu thập được dữ liệu trên các đồn bốt quân sự Trung Quốc xây dựng trái phép tại quần đảo Trường Sa do sự can thiệp điện tử của Trung Quốc.
Giữa lúc căng thẳng đang leo thang ở biển Đông, Mỹ vừa phái 4 chiến đấu cơ tấn công điện tử E/A-18G Growler - phiên bản tác chiến điện tử hiện đại nhất của nước này - cùng 120 binh sĩ tới căn cứ không quân Clark của Philippines hôm 16-6, theo thông báo của Hạm đội 7 - Hải quân Mỹ. Máy bay EA-18G Growler vốn được thiết kế để phát hiện, gây nhiễu sóng và phá hủy chức năng phát radar cũng như làm tắc nghẽn các cuộc tấn công tác chiến điện tử của đối phương.
“Ăn theo” Mỹ
Theo tiết lộ của Cơ quan Nghiên cứu quân sự IHS Janes (Anh), giới chuyên gia nhận định phiên bản máy bay tác chiến điện tử J-16 của Trung Quốc do công ty máy bay Thẩm Dương sản xuất là “ăn theo” chiếc E/A-18G Growler. Không chỉ mang tiếng nhái Su-30 của Nga, máy bay này còn được thiết kế 2 đầu mút cánh trang bị bộ phận giống thiết bị gây nhiễu chiến thuật AN/ALQ-218 do Tập đoàn Northrop Grumman (Mỹ) sản xuất.
Phiên bản đầu tiên của J-16 bắt đầu được thử nghiệm hồi tháng 12-2015. Một nguồn tin chính phủ ở châu Á từng tiết lộ đến năm 2020, quân đội Trung Quốc sẽ đưa vào hoạt động khoảng 100 chiếc J-16. Theo IHS Jane, Bắc Kinh kỳ vọng phiên bản J-16 mới trang bị thiết bị tác chiến điện tử giống E/A-18G Growler có thể giúp Không quân Quân giải phóng Trung Quốc (PLAAF) có cơ hội tiếp cận mục tiêu tốt hơn và tránh được các tên lửa phòng không hiện đại. Tuy nhiên, J-16 đã để lộ một số nhược điểm khi không có súng gắn ở thân máy bay, thiếu hệ thống dò đường và tìm kiếm hồng ngoại. Giới chuyên gia nhận định để có khả năng gây nhiễu, máy bay Trung Quốc phải “hy sinh” nhiều vũ khí tấn công. Do đó, dù cố tình bắt chước chiếc E/A-18G Growler của Mỹ nhưng có vẻ như các tính năng của J-16 khó lòng theo kịp.
Những năm gần đây, PLAAF đã phát triển 3 loại thiết bị tác chiến điện tử thế hệ mới. Loại đầu tiên có kích cỡ tương tự AN/ALQ-99 của tập đoàn EDO, là một phiên bản thu và nhận tín hiệu. Loại này giống hệ thống từng xuất hiện trên máy bay chiến đấu JH-7 của tập đoàn máy bay Tây An. Một phiên bản nhỏ hơn là thiết bị KG600 cũng được trang bị trên JH-7 trong khi phiên bản còn lại mang tên KG300 được cho là phục vụ cho mục đích xuất khẩu.
Hồi tháng 3, Trung Quốc vừa công bố phiên bản công cụ tác chiến điện tử mới nhất có tên máy bay trinh sát điện tử CSA-003. Chiếc máy bay do bộ phận điện tử hàng không của Công ty Công nghệ Điện tử Trung Quốc chế tạo trên bộ khung của máy bay Diamond DA42 do Áo thiết kế.
Chiếc CSA-003 nặng 1,7 tấn với 2 động cơ turbine phản lực cánh quạt này được trang bị thiết bị cảm biến tình báo điện tử hiện đại và bộ xử lý tín hiệu có thể dò, theo dõi và phân tích các tín hiệu điện tử của đối phương, bao gồm tín hiệu radar, dẫn đường vũ khí và hệ thống liên lạc. Đặc biệt, chiếc máy bay này có thể sử dụng cả kết nối vệ tinh để điều phối các các cuộc tấn công điện tử với nhiều đơn vị và các trạm mặt đất.
Kỳ tới: Khó lường Triều Tiên
Quân sự Mỹ vẫn vô đối
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Ashton Carter hôm 20-6 phát biểu rằng bất chấp sự đầu tư rầm rộ của Trung Quốc nhằm hiện đại hóa quân sự, lực lượng vũ trang của Mỹ sẽ giữ vững vị trí vô đối trong nhiều thập kỷ tới. Không chỉ đích danh Trung Quốc là một thách thức tiềm ẩn, ông Carter tuyên bố ông không thấy bất cứ cường quốc nào đang trỗi dậy có thể sớm bắt kịp nước Mỹ.
“Nhờ sự đầu tư và những kế hoạch đang tiến hành trong khuôn khổ chiến lược tái cân bằng của Tổng thống Mỹ Barack Obama tại châu Á - Thái Bình Dương, nước Mỹ sẽ duy trì vị thế quân đội hùng mạnh nhất và người bảo vệ chính đối với an ninh trong khu vực trong nhiều thập kỷ tới” - ông Carter nhấn mạnh trong cuộc hội thảo do Trung tâm An ninh Mỹ mới tại thủ đô Washington D.C.
Lầu Năm Góc kêu gọi dành 72 tỉ USD trong ngân sách quốc phòng năm 2017 cho hoạt động nghiên cứu và phát triển. Giới chức quốc phòng cấp cao của Mỹ có kế hoạch đầu tư vào hệ thống vũ khí trải khắp các khu vực, trong đó có tàu tối tân, thiết bị không người lái dưới biển, tên lửa, máy bay ném bom tầm xa B-21, lực lượng hạt nhân, năng lực tác chiến điện tử và mạng cũng như chuẩn bị cho một cuộc xung đột trong không gian.
Bình luận (0)