Việc Google ra thông báo dừng cấp phép sử dụng hệ điều hành Android cho Tập đoàn Viễn thông Huawei hôm 19-5 được cho là đòn giáng mạnh lên tham vọng trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu thế giới của đại gia công nghệ Trung Quốc này. Theo đài CNBC (Mỹ), Google đình chỉ việc chuyển giao phần cứng, phần mềm và dịch vụ kỹ thuật cho Huawei, ngoại trừ các phiên bản có sẵn thông qua nguồn mở. Động thái này đồng nghĩa người dùng điện thoại Huawei trong tương lai sẽ không được truy cập vào các ứng dụng và dịch vụ độc quyền của Google.
Đây được xem là bước đi tuân thủ quyết định liệt Huawei vào "danh sách đen" của chính quyền Tổng thống Donald Trump, theo đó các công ty Mỹ cần phải có giấy phép của Washington để bán sản phẩm cho họ. Nối bước Google, theo trang Bloomberg, các hãng chip Intel, Qualcomm, Xilinx, Broadcom của Mỹ đã đóng băng hoạt động cung cấp phần mềm và linh kiện quan trọng cho Huawei đến khi có thông báo mới. Một số chuyên gia nhận định Huawei hiện dựa nhiều vào các sản phẩm chất bán dẫn của Mỹ và sẽ gặp nhiều khó khăn nếu không có nguồn cung này.
Dù vậy, việc ngừng bán linh kiện cần thiết cho Huawei cũng có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các hãng chip Mỹ, cũng như tiến độ triển khai mạng 5G trên toàn cầu. Lệnh cấm trên cũng có thể khiến Trung Quốc hoãn xây dựng mạng 5G cho đến khi lệnh này được dỡ bỏ, từ đó ảnh hưởng đến nhiều nhà cung cấp linh kiện trên thế giới.
Ngoài một số hãng chip Mỹ, theo tạp chí Nikkei Asian Review, hãng chip Infineon của Đức đã ngưng cung cấp hàng cho Huawei - một dấu hiệu cho thấy tác động từ cuộc chiến chống Huawei đã lan ra bên ngoài Mỹ. Các nguồn tin trong lĩnh vực viễn thông cho rằng động thái của Infineon có thể tác động đến các nhà cung cấp quan trọng khác của Huawei tại châu Âu và châu Á, khiến họ đưa ra quyết định thận trọng tương tự. Theo quy định của Mỹ, các công ty không có giấy phép nhưng vẫn cung cấp hàng cho công ty trong "danh sách đen" cũng có thể bị liệt vào danh sách này.
Tham vọng trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu thế giới của Huawei vừa bị trúng đòn mạnh. Ảnh: REUTERS
Phản ứng trước động thái của chính quyền ông Trump, theo trang Bloomberg, ban lãnh đạo Huawei cho rằng công ty họ là quân bài mặc cả trong cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung và có thể tiếp tục mua hàng từ các đối tác Mỹ nếu hai bên đạt thỏa thuận. Dù vậy, giới phân tích lo ngại bước đi mới nhất của các công ty Mỹ có thể khiến căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh leo thang. Một cuộc chiến tranh lạnh kéo dài giữa 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới này có thể nổ ra nếu Trung Quốc tin rằng ông Trump muốn kiềm chế sự trỗi dậy của họ. "Một kịch bản cực đoan là bộ phận mạng viễn thông của Huawei hoạt động thất bại, khiến Trung Quốc bị tụt hậu nhiều năm. Khi đó, Bắc Kinh có thể xem chính sách của Washington là hành động gây chiến" - ông Ryan Koontz, chuyên gia của Công ty Rosenblatt Securities Inc. (Mỹ), nhận định.
Để ngăn chặn nguy cơ trên, Bắc Kinh được cho là sẽ bơm thêm tiền trợ cấp để bảo đảm ngành công nghiệp viễn thông nước này không bị thua thiệt. Theo thời gian, nguồn tiền này có thể giúp các công ty Trung Quốc vượt qua thách thức và cung cấp các lựa chọn thay thế công nghệ Mỹ. Trong khi đó, Mỹ khó có thể có đủ ý chí chính trị để trợ cấp cho các công ty mình ở quy mô như Trung Quốc. Theo trang Bloomberg, trong cuộc chiến tranh lạnh công nghệ mới bắt đầu này, bên chiến thắng sẽ không phải là bên có đội ngũ giỏi nhất mà là có khả năng chịu đựng tổn thất lâu hơn.
Huawei lên kế hoạch đối phó từ lâu?
Tập đoàn Huawei đã nói với các nhà cung cấp trên toàn cầu từ 6 tháng trước rằng họ muốn tích trữ lượng linh kiện quan trọng đủ dùng trong 1 năm để đề phòng những bất ổn liên quan đến thương chiến, Tạp chí Nikkei Asian Review (Nhật Bản) dẫn các nguồn thạo tin cho biết.
Theo các nguồn tin này, Huawei đã chuẩn bị để đối phó với kịch bản tồi tệ nhất (bị Mỹ cấm làm ăn với các nhà cung cấp linh kiện chính) từ 6 tháng trước và hoạt động chuẩn bị của họ không chỉ giới hạn ở chip mà bao gồm hàng loạt thiết bị khác. Đối với những linh kiện quan trọng có rủi ro cao bị liệt vào "danh sách đen", Huawei tích trữ số lượng đủ dùng trong 6-12 tháng và những linh kiện ít quan trọng hơn được tích trữ đủ dùng trong ít nhất 3 tháng.
Cũng vào đầu năm nay, Huawei bắt đầu quá trình tìm kiếm thêm đối tác cung cấp chip, linh kiện quang học, công nghệ liên quan đến camera cùng những linh kiện khác bên ngoài nước Mỹ. "Trước đây, Huawei chỉ hoạt động với 1 hoặc 2 nhà cung cấp linh kiện điện tử hàng đầu thế giới nhưng năm nay, họ mở rộng phạm vi tìm kiếm đến 3 hoặc 4 nhà cung cấp cho mỗi linh kiện" - một nguồn tin tiết lộ. Ngoài ra, tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc còn lên kế hoạch phát triển các thiết bị bán dẫn riêng, trong đó có chip quang, để không còn phải phụ thuộc vào các công ty Mỹ.
Thậm chí, theo báo South China Morning Post, Huawei cũng đã bắt đầu phát triển hệ điều hành riêng sau khi bị Mỹ điều tra vào năm 2012. Ngoài hệ điều hành dành cho điện thoại, Huawei còn phát triển hệ điều hành dành cho máy tính bảng và máy tính cá nhân.
Trong khi đó, người dân Trung Quốc đang phát động chiến dịch tẩy chay các sản phẩm của Công ty Apple (Mỹ), trong đó có điện thoại iPhone, để phản ứng việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh đưa Huawei vào "danh sách đen". Theo trang Buzzfeed, thị trường Trung Quốc ghi nhận doanh số của Apple giảm 20% trong lúc doanh số điện thoại Huawei tăng 25% trong quý IV/2018.
Cao Lực
Thị trường công nghệ Việt Nam xôn xao
Ngày 20-5, trả lời phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện Google tại Việt Nam cho biết: "Chúng tôi tuân thủ sắc lệnh và đang xem xét các vấn đề liên quan. Đối với người dùng dịch vụ của chúng tôi, Google Play và các giải pháp bảo vệ từ Google Play Protect sẽ tiếp tục được vận hành trên các thiết bị Huawei sẵn có". Trong khi đó, đại diện truyền thông của Huawei Việt Nam cho biết công ty này sẽ tiếp tục cung cấp các bản cập nhật bảo mật và dịch vụ hậu mãi cho tất cả sản phẩm điện thoại thông minh và máy tính bảng Huawei và Honor hiện có, bao gồm những sản phẩm đã được bán hoặc vẫn còn tồn kho trên toàn cầu.
Với tuyên bố của Google, có thể thấy chỉ có các điện thoại Huawei đã được bán ra là có thể tiếp tục nhận được hỗ trợ từ họ, còn những thiết bị mới thì chưa rõ tương lai ra sao. Trước mắt, những thông tin mới nhất liên quan đến Huawei thực sự đã gây chấn động thị trường công nghệ tại Việt Nam cũng như khiến nhiều người dùng điện thoại của công ty Trung Quốc này hoang mang.
Một chuyên gia về viễn thông tại TP HCM cho biết: "Huawei đặt mục tiêu đến năm 2020 trở thành thương hiệu smartphone đứng thứ 2 tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc các hãng công nghệ của Mỹ như Google, Intel, Qualcomm... ngưng hợp tác với Huawei chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu tăng trưởng của hãng này. Tại Việt Nam, tác động trước mắt có thể thấy là các nhà bán lẻ có khả năng sẽ từ chối bán hàng của Huawei. Còn người dùng có thể bán tháo các sản phẩm của Huawei hoặc ngưng ý định mua các sản phẩm mới vì sẽ không dùng được các dịch vụ của Google".
Chánh Trung
Bình luận (0)