Một cuộc chiến tranh mạng đang nổ ra sau khi website của một số cá nhân, công ty, tổ chức, cơ quan và chính phủ bị tin tặc tấn công để trả đũa việc họ chống lại website WikiLeaks và nhà sáng lập Julian Assange.
Cuộc chiến thông tin
Trong số những nạn nhân mới nhất của cuộc chiến này có hai công ty thẻ tín dụng hàng đầu thế giới là Visa và MasterCard. Một nhóm tin tặc gọi là Anonymous hôm 8-12 đã tấn công và làm tê liệt website của hai công ty nói trên.
Theo báo Daily Mail (Anh), website của MasterCard đã bị tê liệt trong khoảng 6 giờ, ảnh hưởng đến hàng trăm ngàn người mua sắm trên thế giới. Sau đó, MasterCard cho biết đang nỗ lực để đưa dịch vụ trở lại hoạt động bình thường.
Đến tối 8-12 (giờ Mỹ), bà Sarah Palin, cựu ứng viên phó tổng thống Mỹ, nói website của bà cũng bị nhóm Anonymous tấn công. Theo báo Telegraph (Anh), bà Palin cho biết thẻ tín dụng của vợ chồng bà đã bị gián đoạn.
Bộ trưởng Thể thao Úc Mark Arbib là một nguồn tin “được bảo vệ” của Mỹ,
theo tài liệu ngoại giao mật của Mỹ. Ảnh: Getty Images
Việc bà Palin là mục tiêu của tin tặc là điều khó tránh khỏi vì trước đó bà đã kêu gọi ông Assange phải bị truy lùng như mạng lưới khủng bố Al-Qaeda. Ngoài ra, website của Thượng nghị sĩ Mỹ Joe Lieberman, người đã hối thúc các công ty Mỹ tẩy chay WikiLeaks, cũng bị tấn công.
Tại Thụy Điển, website của chính phủ (www.regeringen.se) cũng tê liệt trong vài giờ liền từ đêm 8 đến rạng sáng 9-12 (giờ địa phương) sau khi bị những người ủng hộ WikiLeaks và ông Assange tấn công. Theo báo Aftonbladet (Thụy Điển), website này đã hoạt động bình thường trở lại sau đó.
Những vụ tấn công mới nói trên là một phần của “chiến dịch đáp trả” đang được những người ủng hộ WikiLeaks tiến hành sau khi ông Assange bị bắt ở Anh và WikiLeaks bị tấn công, phong tỏa trên mạng.
Trước đó, nhóm Anonymous, được cho là có từ 1.500 đến 2.000 thành viên, đã tấn công website của một số doanh nghiệp, tổ chức và cơ quan bị xem là chống lại WikiLeaks, như công ty thanh toán trực tuyến PayPal (Mỹ), ngân hàng PostFinance (Thụy Sĩ), văn phòng công tố viên Thụy Điển, nhà bán lẻ trực tuyến Amazon (Mỹ)...
Nhóm này khuyến khích người tình nguyện tải về một phần mềm, cho phép tin tặc kiểm soát máy tính của họ từ xa để tấn công những website mục tiêu. Trong một tuyên bố, nhóm tin tặc này nói: “Chúng tôi sẽ tấn công bất kỳ thứ gì hoặc người nào tìm cách kiểm duyệt WikiLeaks, trong đó có cả những công ty lớn”.
Mạng xã hội Twitter cũng đứng trước nguy cơ trở thành mục tiêu tiếp theo sau khi nhóm Anonymous cáo buộc Twitter kiểm duyệt cuộc thảo luận về WikiLeaks trên đó.
Ông Jeff Jarvis, Giám đốc chương trình báo chí tương tác tại Đại học thành phố New York (Mỹ), nhận định: “Cuộc chiến thông tin đang diễn ra. Sự lựa chọn ở đây là sống trong một thế giới minh bạch hoặc đóng cửa internet”.
Trong khi đó, người phát ngôn WikiLeaks Kristinn Hrafnsson cho hãng tin AFP biết họ không có liên hệ gì với nhóm Anonymous và cho rằng những vụ tấn công là một phần phản ứng của người tiêu dùng.
Một bộ trưởng Úc là gián điệp Mỹ?
Cũng như cuộc chiến tranh mạng, việc công bố tài liệu ngoại giao mật của Mỹ vẫn tiếp tục diễn ra. Báo Sydney Morning Herald (Úc) hôm 9-12 dẫn một tài liệu cho biết Bộ trưởng Thể thao Mark Arbib là một nguồn tin “được bảo vệ” của Mỹ.
Cụ thể là ông Arbib thường xuyên gặp các nhà ngoại giao Mỹ và cung cấp cho họ thông tin về những gì diễn ra. Dù vậy, Thứ trưởng Bộ Ngân khố Úc Bill Shorten cho đài Sky News biết: “Tôi hoàn toàn bác bỏ ý tưởng rằng ông ta là gián điệp. Điều này thật vô lý”.
Nhóm tin tặc Anonymous đang phát động chiến dịch trả đũa những ai chống lại WikiLeaks. Ảnh: REUTERS
Ông Arbib, một thượng nghị sĩ, cũng lên tiếng về vụ việc khi tuyên bố ông là người ủng hộ mạnh mẽ mối quan hệ của Úc với Mỹ. Bản thân ông, cũng như các thành viên quốc hội liên bang khác, thường xuyên có các cuộc hội đàm với các thành viên phái bộ và lãnh sự Mỹ về tình hình chính trường hai nước.
Tại Libya, nhà lãnh đạo Moamer Kadhafi hoan nghênh WikiLeaks vì đã phơi bày “thái độ đạo đức giả” của Mỹ thông qua những hoạt động ngoại giao được thực hiện ở hậu trường. Hãng tin JANA (Libya) dẫn lời bình luận của ông Kadhafi cho biết những tiết lộ của WikiLeaks chứng tỏ “mối quan hệ của Mỹ với các đồng minh cũng là đạo đức giả” và bộ mặt thật của nền ngoại giao Mỹ đã bị phơi bày.
Trong một phản ứng chỉ trích tương tự, Phó Tổng thống Bolivia Alvaro Garcia Linera cho biết đã cho đăng tải trên website của ông mọi bức điện tín ngoại giao của Mỹ lên quan đến Bolivia để nhiều người vào đọc hơn. Ông Linera cho biết mục đích của động thái này là để nhiều người dân biết rõ hơn về “những xúc phạm” của Mỹ đối với nước này.
Bình luận (0)