Động đất xảy ra khoảng 19 giờ 54 phút ngày 16-9 (giờ địa phương, 22 giờ 54 GMT, tức 5 giờ 54 phút ngày 17-9 giờ VN).
Thời gian cập nhật theo giờ Việt Nam GMT+7
---
Khoảng 15 giờ, Trung tâm Cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương hạ cấp cảnh báo sóng thần ở Hawaii và một phần bờ biển bang California - Mỹ. Tuy không có sóng thần lớn ập đến Mỹ song mực nước biển thay đổi cộng các dòng chảy nguy hiểm có thể là mối đe dọa.
Khoảng 12 giờ 10 phút, Chile dỡ bỏ cảnh báo sóng thần tại các khu vực Isla San Felix, quần đảo Juan Fernandez và Los Rios, Los Lagos, Aysen, Magallanes. Các phần còn lại của bờ biển vẫn chịu ảnh hưởng của cảnh báo.
Tiếp đó, khoảng 8 tiếng sau động đất, cảnh báo đỏ được hạ xuống mức vàng ở các khu vực Tarapacá, Antofagasta, Los Ríos, Los Lagos, Aysén và Magallanes.
Khoảng 10 giờ 45, Bộ Nội vụ Chile thông báo có 5 người thiệt mạng và hơn 1 triệu người phải sơ tán trên cả nước. Khoảng 20 người bị thương và 1 người mất tích.
Khoảng 10 giờ, nữ Tổng thống Chile Michelle Bachelet xác nhận có 3 người thiệt mạng và 2 TP Coquimbo và Tongoy ngập nặng. Cả 2 nơi này đều bị công bố là vùng thảm họa và binh lính đang được triển khai đến đây để ngăn cướp bóc.
Tại Conquimbo ghi nhận sóng thần cao đến 4,5 m, còn ở Tongoy là 2 m. Bà Bachelet sẽ thăm 2 thành phố này vào ngày 17-9.
Theo báo Guardian, động đất xảy ra ngay trước ngày độc lập của Chile (18-9). Thương vong có vẻ không cao và thiệt hại mới dừng lại ở đổ tường và tốc mái nhà. Trận động đất ở Chile hồi tháng 2-2010 từng "san phẳng nhiều thị trấn" và giết chết 525 người.
Là một trong những đất nước hứng chịu động đất nhiều nhất thế giới, Chile học hỏi nhiều từ quá khứ đau thương. Các tòa nhà mới xây có thể chịu được động đất 9,0 độ Richter. Ngày 16-9 cũng là ngày đầu tiên hệ thống cảnh báo sóng thần Chile hoạt động.
Bản thân Tổng thống Bachelet cũng gặp phải nhiều rắc rối vì động đất. Bà bị chỉ trích phản ứng chậm với trận động đất năm 2010.
Chính quyền Fiji và Quần đảo Solomon cảnh báo cư dân về sóng thần song tỏ ra không quá lo lắng.
Khoảng 8 giờ 52, Cảnh sát Chile xác nhận 1 phụ nữ thiệt mạng và 7 người khác bị thương (3 người nguy kịch) ở TP Illapel, gần tâm chấn động đất. Nhiều nhà cửa bị phá hủy.
Tại thị trấn Tongoy, cách TP La Serena khoảng 50 km về phía Nam, 2 trường hợp thiệt mạng và 2 người mất tích được ghi nhận.
Ông Fabrizio Guzmán, giám đốc truyền thông của tổ chức World Vision tại Chile, cho hay động đất xảy ra vào giờ cao điểm nên gây ra tắc nghẽn giao thông, khiến nhiều người mắc kẹt trên đường phố.
Khoảng 6 giờ 20 phút (giờ VN, tức 20 giờ 20 phút giờ địa phương), đợt sóng thần đầu tiên đã tràn vào bờ biển Chile, tại khu vực thị trấn Tongoy. Hiện chưa có báo cáo thiệt hại lớn do sóng thần.
Hình ảnh và video chụp cảnh đường phố ở TP Concon, tỉnh Valparaiso và TP Lo Vilos, tỉnh Choapa bị ngập do sóng tràn vào.
Theo Văn phòng Khẩn cấp Quốc gia Chile (ONEMI), tại thành phố cảng Coquimbo, sóng có lúc cao tới 4,5m. Thị trưởng Cristian Galleguillos của Coquimbo cho biết thành phố đã bị ngập nước và 95% thành phố đã bị mất điện.
Nước ngập tại TP Concon. Nguồn: Gaurdian
Nguồn: YouTube
Động đất xảy ra khoảng 19 giờ 54 phút ngày 16-9 (giờ địa phương, 22 giờ 54 GMT, tức 5 giờ 54 phút ngày 17-9 giờ VN). Tâm chấn này dưới biển ở độ sâu chừng 10 km, cách thủ đô Santiago khoảng 232 km về phía Tây Bắc và cách TP Illapel khoảng 55 km về phía Tây, theo Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS).
Giới chức Chile cho hay các tòa nhà ở Santiago bị rung lắc vì chấn động. Chỉ vài phút sau động đất, hàng loạt dư chấn mạnh hơn 6,1 độ Richter được ghi nhận.
Trung tâm Cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương (PTWC) cảnh báo "có thể xảy ra sóng thần nguy hiểm trên diện rộng".
Các khu vực ven biển Chile đã được lệnh sơ tán. Báo động đỏ được đưa ra trên toàn quốc. Còi báo động sóng thần đã được nghe thấy ở cảng Valparaiso. "Sóng thần cao hơn 3 m so với mốc thủy triều có khả năng xảy ra ở một vài khu vực bờ biển của Chle" - trung tâm trên cho biết thêm.
Cảnh báo sóng thần cũng được ban hành ở Peru và và Hawaii. Phía Peru dự báo sóng thần tràn vào bờ biển miền Nam nước này có thể cao chưa tới 1 m. Theo PTWC, sóng thần cao tới 1 mét có thể xuất hiện tại Nhật Bản và hầu hết khu vực Nam Thái Bình Dương bao gồm New Zealand, Fiji, Tonga, Vanuatu và đảo Solomon. New Zealand cũng đã yêu cầu người dân tránh xa các khu vực bờ biển.
Ban đầu, USGS cho hay động đất mạnh 7,9 độ Richter nhưng sau nhanh chóng đánh giá lại ở mức 8,3 độ Richter.
Trong khi đó, Chính phủ Chile xác định trận động đất này mạnh khoảng 8,4 độ Richter. Ngoài Chile, một số tỉnh của Argentina như Mendoza và thủ đô Buenos Aires - cách tâm chấn 1.400 km - cũng cảm nhận được rung lắc mạnh, khiến nhiều tòa nhà phải sơ tán, theo đài BBC.
Hồi tháng 2-2010, một trận động đất mạnh 8,8 độ Richter tàn phá thành phố Concepction ở miền Trung Chile, gây ra sóng thần lớn làm 525 người thiệt mạng.
Trận động đất mạnh nhất được ghi nhận trong lịch sử thế giới xảy ra ở Chile vào năm 1960, với cường độ khoảng 9,5 độ Richter, cướp đi sinh mạng của hơn 5.000 người.
Nguồn: YouTube
Bình luận (0)