Liên Hiệp Quốc ước tính gần 3 triệu người sống sót sau động đất vẫn cần viện trợ nhân đạo gồm thực phẩm, hệ thống xử lý rác thải và chăm sóc y tế.
Ông Govind Raj Pokharel thuộc Cơ quan tái thiết quốc gia cho biết chính phủ chưa thể bắt đầu rót tiền cho đến sớm nhất là tháng 10 vì sự chậm trễ trong việc phê duyệt kế hoạch, dấy lên mối lo ngại khi công việc tái thiết tiến hành trong mùa mưa.
“Tôi thừa nhận rằng phản ứng của chính phủ quá chậm chạp. Thách thức tới đây là bảo đảm những người sống trong lều trại chuẩn bị tươm tất cho mùa đông” - ông Pokharel nói.
Tỉ mẩn đan túi để bán bên ngoài lều, bà Maili Pariyar (50 tuổi) than thở rằng bà chỉ nhận được thức ăn và những vật dụng cần thiết để dựng lều từ các tổ chức viện trợ. Kể từ sau thảm họa, bà chưa hề nhận được gì từ chính quyền.
Bà thở ngắn than dài: “Chúng tôi đã mất tất cả mọi thứ và sống trong vô vọng. Chẳng biết chúng tôi phải chờ đợi mòn mỏi bao lâu nữa để được giúp đỡ?” Theo tiết lộ của ông Pokharel, chính quyền địa phương chẳng thể chi tiền vì các bộ trưởng vẫn chưa thông qua bất cứ kế hoạch tái thiết hay viện trợ nào.
Trước đây, chính quyền Nepal bị chỉ trích vì phản ứng kém trước các trận động đất cướp đi sinh mạng của gần 9.000 người. Đất nước này đã không chuẩn bị đầy đủ mặc dù các chuyên gia dự đoán một trận động đất có khả năng xảy ra.
4 tháng sau thảm họa, nhiều khu vực ở Kathmandu vẫn nguyên đống đổ nát. Hàng chục ngàn người vẫn náu mình trong lều tạm. Ông Pokharel nói chính phủ không thể chi tiền vì các bộ trưởng chưa thông qua kế hoạch tái thiết và cứu trợ. Thay vào đó, chính phủ lại cố sửa đổi một điều khoản hiến pháp để tạo ra hệ thống chính trị mới cũng như phân vùng lại đất nước.
Theo chính phủ, họ làm vậy để đặt nền tảng đường dài cho sự ổn định nhưng hậu quả trước mắt là việc phân vùng lại đất nước đã dẫn đến hàng loạt vụ đụng độ chết người mấy tuần qua.
Bình luận (0)