Cuộc sống tại các nước phát triển nhiều khả năng trở lại trạng thái bình thường vào cuối năm 2021 và tại các nước đang phát triển, trạng thái này có thể đạt được 6-9 tháng sau đó.
Cú hích cho chuyển đổi số
Hiện tại, tìm nguồn vắc-xin chắc chắn là một trong những nhiệm vụ cấp bách nhất trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Ngoài ra, các chính phủ còn cần tìm kiếm giải pháp phục hồi kinh tế thời hậu Covid-19 với công nghệ số được cho là đóng vai trò then chốt.
Một trong những "di sản" của đại dịch Covid-19 có thể là sự thúc đẩy mạnh mẽ hơn để thế giới hướng đến chính phủ điện tử. Mặc dù chính phủ điện tử không phải là một xu hướng quá mới, cuộc khủng hoảng đã tạo ra cú hích cho công cuộc chuyển đổi kỹ thuật số, đồng thời chỉ lối cho những phát triển tương lai.
Nói theo cách của báo The Washington Post, Covid-19 đã trở thành chất xúc tác để doanh nghiệp và người tiêu dùng tận dụng công nghệ kỹ thuật số giải quyết vấn đề, giữ an toàn và duy trì kết nối. Sự chuyển dịch này dẫn đến việc nhiều cơ quan chính phủ tăng tốc triển khai kế hoạch chuyển đổi kỹ thuật số.
Trong lúc lĩnh vực công thường do dự hơn trong áp dụng công nghệ mới, quá trình chuyển đổi nhanh chóng này là một điều ngoạn mục. Đại dịch Covid-19 đã cho chúng ta thấy rằng năng lực kỹ thuật số không còn là điều "thật tuyệt nếu có" mà là "bắt buộc phải có".
Công nghệ kỹ thuật số đóng vai trò quan trọng trong việc giúp xã hội vẫn vận hành được khi đại dịch Covid-19 hoành hành. Trong ảnh: Một buổi học trực tuyến tại TP Los Angeles - Mỹ hôm 2-3
Nhu cầu đổi mới và triển khai nhanh chóng các hệ thống mới trong khủng hoảng Covid-19 đã buộc nhiều tổ chức chính phủ hướng đến các nền tảng kỹ thuật số. Giữa vô vàn tác động tiêu cực từ đại dịch, đây là một thông tin cực kỳ tích cực, đồng nghĩa các chính phủ có thể phục vụ người dân hiệu quả và ít tốn kém hơn thông qua các dịch vụ kỹ thuật số.
Giới chuyên gia từ nhiều ngành công nghiệp khác nhau khẳng định với báo The Manila Times rằng dịch Covid-19 đã đẩy nhanh công cuộc áp dụng công nghệ thêm nhiều năm và một môi trường cạnh tranh mới đang xuất hiện trên toàn cầu.
Tăng tốc áp dụng công nghệ cũng đồng nghĩa mức độ sản xuất tự động cao hơn, dẫn đến mô hình phát triển kinh tế xoay quanh kết nối kỹ thuật số, đe dọa đến năng lực cạnh tranh dựa trên lao động giá rẻ của nhiều quốc gia đang phát triển. Trong khi đó, kỹ năng và năng lực kỹ thuật số đã trở thành nền tảng để tham gia thành công vào các hoạt động kinh tế và xã hội.
"Xây dựng lại tốt hơn"
Trong cuộc điện đàm đầu tiên giữa Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thống Mỹ Joe Biden, cụm từ "xây dựng lại tốt hơn" đã được nhắc đến. Đây được xem là động lực thúc đẩy phục hồi toàn cầu thời hậu Covid-19. Các nền kinh tế đã bị hủy hoại nghiêm trọng, đời sống người dân đã bị ảnh hưởng nặng nề. Vì thế, việc dốc toàn lực cải thiện tình hình là một quyết định đúng đắn.
Theo báo City A.M. (Anh), chính phủ Anh gần đây thành lập "Hội đồng Xây dựng lại tốt hơn" để hỗ trợ họ thực hiện sứ mệnh phục hồi sau dịch Covid-19. Anh là một trong những quốc gia triển khai chính phủ điện tử hàng đầu, theo khảo sát chính phủ điện tử của Liên Hiệp Quốc.
Trong 5 năm trở lại đây, chi tiêu của chính phủ Anh dành cho công nghệ tăng liên tục. Riêng năm ngoái, con số này tăng 10% lên 2,7 tỉ USD. Sự gia tăng này diễn ra trên mọi bộ, ngành nhưng nhiều nhất ở Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp và Cơ quan Y tế quốc gia kỹ thuật số.
Dịch Covid-19 buộc nhiều doanh nghiệp đóng cửa, gây ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế toàn cầu Ảnh: REUTERS
Cố vấn Kinh tế của Tập đoàn Huawei (Trung Quốc) Andrew Williamson cho rằng việc xem kỹ thuật số là trung tâm của chiến lược và chính sách phục hồi thời hậu Covid-19 sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế và xã hội nói chung. Đây là lý do các chính phủ cần đưa yếu tố kỹ thuật số vào mọi nỗ lực phục hồi, sáng kiến và ngành công nghiệp.
Ngoài lợi ích kinh tế, quá trình chuyển đổi kỹ thuật số còn kéo theo những thay đổi tích cực về lối sống và công việc, chẳng hạn như giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính.
Công nghệ kỹ thuật số đóng vai trò quan trọng trong việc giúp xã hội vẫn vận hành được khi đại dịch Covid-19 hoành hành bằng việc tự động hóa các quy trình, cũng như tạo điều kiện cho hình thức làm việc tại nhà, giao dịch không tiếp xúc, họp và học trực tuyến, lưu trữ hồ sơ trên nền tảng đám mây...
Việc gia tăng sử dụng công nghệ kỹ thuật số cũng giúp tiến gần hơn một nền kinh tế thông minh, từ đó hứa hẹn mang lại những hướng đi mới giúp doanh nghiệp phát triển và hoạt động hiệu quả hơn.
Để đẩy mạnh hơn nữa tiến trình chuyển đổi kỹ thuật số, theo ông Williamson, các chính phủ phải là "hình mẫu" tiếp cận công nghệ để nâng cao chất lượng và hiệu quả của các dịch vụ công. Việc trở thành một nhà lãnh đạo kỹ thuật số giúp các chính phủ chứng minh niềm tin dành cho công nghệ này, qua đó phát ra những tín hiệu tích cực về lợi ích và độ tin cậy của nó đối với các doanh nghiệp và hộ gia đình.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 8-3
Bình luận (0)