Đài BBC đưa tin nguyên nhân là do Bộ An ninh Nội địa Mỹ lo ngại về mối liên hệ giữa các quan chức công ty này với các cơ quan tình báo Nga. Động thái trên diễn ra trước khi thượng viện Mỹ tiến hành bỏ phiếu trong tuần này để cấm chính phủ sử dụng các sản phẩm của Kaspersky.
Quyền Bộ trưởng An ninh Nội địa Elaine Duke ra thời hạn 90 ngày để các văn phòng chính phủ gỡ bỏ và thay thế phần mềm bảo mật. "Vấn đề rủi ro là chính phủ Nga, dù hoạt động một mình hay hợp tác với Kaspersky, có thể tận dụng các truy cập sản phẩm của Kaspersky để xâm nhập hệ thống thông tin liên bang có liên quan trực tiếp đến an ninh quốc gia" - bà Duke nói.
Dù công ty này liên tục phủ nhận có liên quan đến Điện Kremlin nhưng các cáo buộc vẫn khiến một số nhà bán lẻ của Mỹ thu hồi sản phẩm. Được biết, Kaspersky có hơn 400 triệu khách hàng trên toàn thế giới nhưng chưa bao giờ trở thành một nhà cung cấp lớn cho chính phủ Mỹ.
CEO của Kaspersky Lab, ông Eugene Kaspersky. Ảnh: REUTERS
Kaspersky chia sẻ họ thất vọng với quyết định trên nhưng sẽ cố chứng minh rằng các cáo buộc trên là vô căn cứ. Công ty này cho rằng cả Nga và Mỹ đều đang sử dụng họ làm con tốt trong trò chơi địa chính trị.
"Không có cá nhân hay tổ chức nào công khai những bằng chứng xác thực vì các cáo buộc đều dựa vào những giả định không chính xác" - trích thông báo của công ty.
Tuy nhiên, 2 tháng trước, trang tin Bloomberg tiết lộ đã nhìn thấy thư điện tử trao đổi giữa Giám đốc điều hành Eugene Kaspersky và các nhân viên cấp cao trong công ty phác họa một dự án an ninh mạng bí mật do Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) yêu cầu.
Bloomberg cho rằng công cụ này không chỉ làm chệch hướng các cuộc tấn công mạng mà còn thu thập thông tin của những kẻ tấn công và chuyển cho các cơ quan tình báo của Nga.
Vào tháng 7, Cơ quan Quản lý Các dịch vụ chung Mỹ đã rút công ty Kaspersky Lab ra khỏi danh sách những nhà cung cấp được phê duyệt.
Bình luận (0)