Phán quyết của Tòa án Tối cao Úc đồng nghĩa với việc 3 chính trị gia, trong đó có ông Joyce, bị tước tư cách nghị sĩ. Những người còn lại đã từ chức hồi tháng 7.
Phó Thủ tướng Barnaby Joyce. Ảnh: EPA
Hiến pháp Úc cấm công dân mang hai quốc tịch tham gia quốc hội nước này. Sự ra đi của ông Joyce khiến chính phủ của ông mất thế đa số mong manh tại quốc hội.
Ông Joyce, người đã từ bỏ quốc tịch New Zealand hồi tháng 8, tuyên bố sẽ tái tranh cử vào hạ viện. Phát biểu sau khi có phán quyết, ông Joyce cho biết: "Tôi tôn trọng phán quyết của tòa án".
Trong khi đó, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull cho biết ông chấp nhận phán quyết của tòa án nhưng đó không phải là kết quả mà chính quyền ông mong đợi. Ông Turnbull cũng không nêu tên ứng viên mới cho vị trí phó thủ tướng trong cuộc họp báo ở thủ đô Canberra sau phán quyết.
Trong khi đó, 4 chính khách mang 2 quốc tịch còn lại là Fiona Nash, Malcolm Roberts, Larissa Waters và Scott Ludlam. Tất cả họ đều được bầu làm thượng nghị sĩ trước khi vụ việc nổ ra.
4 nghị sĩ (từ trái sang phải, trên xuống) Larissa Waters, Scott Ludlam, Malcolm Roberts, Fiona Nash. Ảnh: EPA
Hai thượng nghị sĩ khác là Matt Canavan Nick Xenophon cũng bị "soi" nhưng rốt cuộc được kết luận là đủ tư cách.
Cuộc khủng hoảng song tịch nổ ra từ tháng 7, buộc hàng chục chính trị gia Úc công khai quốc tịch của mình.
Việc ông Joyce bị tước tư cách nghị sĩ khiến chính quyền Thủ tướng Malcolm Turnbull chỉ còn 75 ghế trong số 150 ghế tại hạ viện, nên trở thành chính phủ thiểu số. Ông Turnbull có thể đảo ngược tình thế nếu ông Joyce chiến thắng trong cuộc bầu cử bổ sung vào ngày 2-12 sắp tới.
Ông Joyce hiện đã đủ điều kiện tái tranh cử vì chỉ mang quốc tịch Úc. Trước mắt, Thủ tướng Turnbull cần phải có sự ủng hộ của các nghị sĩ độc lập và các đảng thiểu số để thông qua luật tại hạ viện.
Bình luận (0)