Tổng Thư ký quản trị Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) nói rằng sẽ “không thể có một cuộc đối thoại mang tính xây dựng” sau khi các thủ lĩnh phong trào đòi dân chủ kêu gọi gia tăng nỗ lực chiếm đóng các khu vực biểu tình chính. Trước đó, các thủ lĩnh sinh viên đã kêu gọi tăng cường các hoạt động biểu tình nếu chính quyền Hồng Kông không nhượng bộ.
Bà Lâm cáo buộc họ đã “phá hoại lòng tin” trong các cuộc đàm phán sắp diễn ra. Bà Lâm nói: “Cuộc đối thoại không thể diễn ra như là một cái cớ để kích động nhiều người tham gia cuộc biểu tình. Các nhà hoạt động phải chấm dứt việc chiếm đóng bất hợp pháp”.
Giữa lúc đó, các nhà lập pháp Hồng Kông đã kêu gọi cơ quan giám sát chống tham nhũng tiến hành điều tra cáo buộc Trưởng đặc khu Lương Chấn Anh nhận hơn 6,4 triệu USD từ một công ty của Úc vào năm 2011. Đồng thời, cảnh sát Liên bang Úc cũng được yêu cầu vào cuộc điều tra.
Ông Lương Chấn Anh và đại diện của công ty kỹ thuật UGL của Úc đã ký một hợp đồng vào cuối năm 2011. Theo đó UGL, công ty mua lại DTZ Holdings mà ông Lương từng là giám đốc, sẽ trả số tiền trên cho trưởng đặc khu này với điều kiện ông Lương không được thành lập công ty đối thủ và sẵn sàng làm cố vấn cho công ty này trong hai năm 2012 và 2013.
Tuy nhiên, văn phòng đặc khu trưởng tuyên bố rằng ông Lương không cung cấp bất kỳ dịch vụ nào cho UGL sau khi ký hợp đồng trên. Công ty Úc này cũng khẳng định trong 2 năm theo hợp đồng thỏa thuận ông Lương không hể thực hiện bất cứ yêu cầu nào của công ty này.
Người dân và các nhà lập pháp Hồng Kông chỉ trích ông Lương khi làm việc cho một công ty thương mại trong lúc đang là đặc khu trưởng Hồng Kông. Thông tin trên xuất hiện khiến giới chức và người dân Hong Kong đặt nghi vấn về khả năng ông Lương Chấn Anh đã có hành vi sai trái của một quan chức đứng đầu đặc khu.
Bình luận (0)