Washington hôm 15-12 cho biết chính sách quản lý hạn ngạch nhập khẩu ngô, gạo và lúa mì của Bắc Kinh đối với các công ty Mỹ là “không công bằng”. Đây là lần thứ 15 Mỹ có hành động chống lại Trung Quốc trên mặt trận thương mại ở WTO.
Trường hợp này nhấn mạnh sự căng thẳng leo thang trong quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, khi Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump tuyên bố sẽ đi theo đường lối cứng rắn về thương mại và các vấn đề khác đối với Bắc Kinh.
Lưỡng đảng Mỹ và các nước nông nghiệp đã hoan nghênh động thái trên của Washington. “Chính sách áp dụng hạn ngạch thuế quan đối với lúa mì, ngô và gạo của Trung Quốc cho thấy nước này từ chối chơi đúng luật” – Chủ tịch Ủy ban Nông nghiệp của Thượng viện Mỹ Pat Roberts (đảng Cộng hòa) nhận xét.
Trước đó vài ngày, Trung Quốc kiện Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) lên WTO về việc không công nhận nước này là nền kinh tế thị trường.
Tuy nhiên, Mỹ cảnh báo Trung Quốc chưa tuân thủ đúng các quy định của nền kinh tế thị trường khi bán các mặt hàng xuất khẩu thấp hơn giá sản xuất, mục đích chiếm thị phần. Washington cũng đề xuất ban hành luật chống phá giá đối với hàng hóa do Bắc Kinh xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Cụ thể, hàng nhập khẩu Trung Quốc vào Mỹ nếu phá giá sẽ bị phạt tiền.
Hôm 14-12, cổ phiếu Công ty General Motors (Mỹ) giảm sau khi Bắc Kinh tuyên bố sẽ phạt một nhà sản xuất ô tô Mỹ giấu tên đang hoạt động tại Trung Quốc về hành vi độc quyền.
Trong khi các công ty Trung Quốc dự kiến đầu tư khoảng 30 tỉ USD ở Mỹ trong năm 2016, các doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc ngày càng phàn nàn về môi trường kinh doanh không thuận lợi ở đại lục.
“Không giống như Nhật Bản vào những năm 1980 khi chúng tôi có liên minh quân sự để cân bằng va chạm thương mại, với Trung Quốc, chúng tôi không có điều đó. Ngược lại, Mỹ và Trung Quốc còn cạnh tranh về an ninh” – cố vấn kinh tế cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) Matthew Goodman cho biết.
Bình luận (0)