Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken đưa ra cảnh báo trên với các quan chức Trung Quốc tại một cuộc họp ở Bắc Kinh hồi tháng 10, sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 5 và cũng là lớn nhất.
Việc Mỹ có giọng điệu cứng rắn hơn cho thấy nước này đang ngày càng mất kiên nhẫn với Trung Quốc và cho rằng Bắc Kinh chưa thực thi nghiêm lệnh trừng phạt hiện có để kiềm chế chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Ngoài ra, Cố vấn An ninh Quốc gia Susan Rice và Ngoại trưởng John Kerry của Mỹ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cắt đứt nguồn tài chính tới Bình Nhưỡng trong cuộc họp với ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì tại TP New York ngày 1-11.
Đáp lại lời cảnh báo của Mỹ, quan chức Trung Quốc khẳng định họ tin rằng việc chỉ gây áp lực lên Bình Nhưỡng sẽ không có kết quả và phản đối bất kỳ hành động nào làm tổn hại đến các công ty Trung Quốc của Mỹ.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken. Ảnh: REUTERS
Việc Mỹ trừng phạt các doanh nghiệp và ngân hàng Trung Quốc có thể làm xấu thêm mối quan hệ căng thẳng giữa 2 cường quốc. Trong khi Mỹ bác bỏ tuyên bố phi lý của Trung Quốc ở biển Đông thì Bắc Kinh phản đối việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại ở Hàn Quốc.
Với việc chính quyền Tổng thống Barack Obama đang ở những tuần cuối cùng của nhiệm kỳ, các quan chức cho biết những bước đi quan trọng tiếp theo có thể được để lại cho chính quyền của ông Donald Trump, người lên nắm quyền vào tháng 1-2017.
Hiện chưa rõ liệu ông Trump có theo đuổi các biện pháp trừng phạt nói trên hay không.
Hôm 30-11, Hội đồng Bảo an LHQ, trong đó có Trung Quốc, thông qua lệnh trừng phạt mới nghiêm khắc hơn với Triều Tiên với mục tiêu giảm 1/4 kim ngạch xuất khẩu hàng năm của nước này. Bình Nhưỡng đã chỉ trích bước đi mới nhất này.
"Chúng tôi hy vọng Trung Quốc sẽ thực thi biện pháp trừng phạt. Nhưng nếu chúng tôi phát hiện các công ty Trung Quốc tiến hành kinh doanh, giúp đỡ và tiếp tay cho Triều Tiên, chúng tôi sẽ nói với Bắc Kinh những gì mình biết với hi vọng họ sẽ hành động" - ông Danny Russel, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, nói với hãng tin Reuters.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Ảnh: REUTERS
Một phương án đang được cân nhắc là áp đặt lệnh trừng phạt các công ty thép Trung Quốc sử dụng than giá rẻ của Triều Tiên. Ngoài ra, Mỹ còn có thể nhắm vào những người Triều Tiên làm việc thông qua các ngân hàng Trung Quốc.
Bộ Tài chính Mỹ hôm 2-12 công bố danh sách đen về các cá nhân, công ty giúp đỡ chính phủ Triều Tiên hoặc chương trình hạt nhân và vũ khí của nước này. Tuy nhiên, không có công ty Trung Quốc nào trong danh sách này.
Dù bỏ phiếu thông qua lệnh trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên, Trung Quốc lo ngại động thái này có thể dẫn đến việc chính phủ Triều Tiên sụp đổ và đưa hàng triệu người tị nạn qua biên giới nước này.
Trong thực tế, năm nay Trung Quốc đã tăng mức nhập khẩu than của Triều Tiên, một trong những mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của họ. Đến nay, Bắc Kinh là đối tác thương mại quan trọng nhất của Bình Nhưỡng.
Trung Quốc phản đối lệnh trừng phạt đơn phương với Triều Tiên và đặc biệt nhạy cảm với các biện pháp chống lại doanh nghiệp Trung Quốc của Mỹ. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 1-12 tuyên bố các lệnh trừng phạt mới của LHQ không có ý làm tổn hại đến giao dịch thương mại "bình thường" với Triều Tiên và Trung Quốc luôn thực thi có trách nhiệm những nghị quyết của LHQ.
Bình luận (0)