Tuyên bố trên được một nhóm chuyên gia kinh tế của Cục nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ (NBER) đưa ra hôm 8-6. Các chuyên gia này khẳng định việc làm, thu nhập và chi tiêu của Mỹ đạt đỉnh vào tháng 2 rồi giảm mạnh vì Covid-19.
Theo AP, một ủy ban thuộc NBER xác định thời điểm suy thoái bắt đầu và kết thúc. Họ định nghĩa suy thoái là "sự sụt giảm hoạt động kinh tế kéo dài hơn vài tháng". Vì thế, NBER thường chờ đợi lâu hơn trước khi ra kết luận liệu kinh tế có suy thoái hay không. Trong đợt suy thoái gần đây nhất, ủy ban trên không ra kết luận cho đến tháng 12-2008, một năm sau khi suy thoái bắt đầu.
Mới đây, vào ngày 5-6, chính phủ Mỹ cho biết các nhà tuyển dụng đã bổ sung 2,5 triệu việc làm vào tháng 5, một tín hiệu tích cực bất ngờ cho thấy tình trạng lao động mất việc làm chuẩn bị được cải thiện. Tỉ lệ thất nghiệp của Mỹ hiện ở mức 13,3%, giảm từ 14,7% trong tháng 4.
Mỹ là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì Covid-19. Ảnh: Reuters
Suy thoái chấm dứt khi việc làm và sản lượng bắt đầu tăng trưởng trở lại, không phải khi chúng đạt các mức độ trước lúc suy thoái. Vì thế, tình trạng suy thoái hiện tại của Mỹ nhiều khả năng kết thúc sớm. Nếu điều này xảy ra, đây sẽ là đợt suy thoái ngắn và sâu nhất trong lịch sử.
Sau khi suy thoái kết thúc, kinh tế Mỹ nhiều khả năng chứng kiến quá trình phục hồi kéo dài trước khi đạt được các mức độ sản xuất và tỉ lệ lao động có việc làm thời điểm trước suy thoái. Theo một vài chuyên gia kinh tế, quá trình này có thể mất 2 năm hoặc hơn, với tỉ lệ thất nghiệp được dự đoán vẫn ở mức 10% hoặc cao hơn vào cuối năm nay.
"Điều quan trọng nhất là tập trung vào sức phục hồi. Hiện tại, đây là nơi ẩn chứa nhiều bất ổn nhất" – ông Ernie Tedeschi, Ngân hàng đầu tư Evercore ISI (trụ sở New York – Mỹ), khẳng định. Theo ông Tedeschi, hiện vẫn chưa rõ liệu Covid-19 đã được kiểm soát hay chưa, liệu có xảy ra đợt lây nhiễm thứ 2 hay không, liệu hoặc khi nào vắc-xin sẽ ra đời.
Tổng thống Donald Trump đang nóng lòng mở cửa kinh tế trở lại. Ảnh: Reuters
Bình luận (0)