Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm 11-3 thông báo thêm 22 ca tử vong vì virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (Covid-19), tất cả đều đến từ TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc - nơi bị xem là tâm dịch. Cùng giai đoạn, nước này ghi nhận thêm 24 ca nhiễm nhưng tình hình dịch bệnh tại Hồ Bắc tiếp tục ổn định khi duy trì đà giảm của 5 ngày trước đó. Cả 13 ca nhiễm mới tại tỉnh này đều đến từ Vũ Hán.
Theo Reuters, một số ngành công nghiệp trọng điểm ở Vũ Hán, như sản xuất khẩu trang y tế và nhu yếu phẩm, đã được phép hoạt động trở lại vào ngày 11-3, một ngày sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình viếng thăm thành phố này lần đầu tiên kể từ khi dịch bệnh bùng phát.
Mặc dù nền kinh tế Trung Quốc hiện chỉ hoạt động khoảng 75% so với mức thông thường, hoạt động sản xuất tại nước này có thể được khôi phục hoàn toàn vào cuối tháng 4, chuyên gia kinh tế Francoise Huang của Công ty Euler Hermes (Pháp) khẳng định.
Ảnh chụp một phụ nữ Ý tại khu chợ địa phương ở TP Milan ngày 11-3, ngày thứ hai kể từ khi nước này ban bố lệnh cách ly toàn quốc Ảnh: REUTERS
Kể từ khi bùng phát tại Vũ Hán hồi tháng 12-2019, đến ngày 11-3 dịch Covid-19 đã lây nhiễm hơn 119.000 người, cướp đi sinh mạng của 4.300 người trên toàn thế giới.
Là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề chỉ sau Trung Quốc, nước Ý hôm 10-3 ghi nhận "ngày chết chóc nhất" kể từ khi Covid-19 lây lan sang nước này vào 2 tuần trước đó. Cơ quan Bảo vệ dân sự Ý (CPA) cho biết tổng số người nhiễm và thiệt mạng vì virus tại quốc gia của họ đã tăng lên 10.149 và 631 người, tăng thêm lần lượt 224 và 168 người sau 24 giờ.
Nhằm ngăn chặn và kiểm soát sự lây lan của virus, chính phủ Ý hôm 10-3 nới rộng lệnh cách ly ra toàn quốc, sau khi công bố kế hoạch cứu trợ kinh tế và cắt giảm thuế trị giá 8,5 tỉ USD để hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ. Tuy nhiên, Bộ trưởng Phát triển kinh tế Ý Stefano Patuanelli khẳng định số tiền này là chưa đủ để đối phó với khủng hoảng.
Theo báo International Business Times, các bộ trưởng Ý đã yêu cầu khối Liên minh châu Âu (EU) cho phép nước họ tăng chi tiêu thâm hụt lên 11,3 tỉ USD. Thông tin chi tiết về các biện pháp này dự kiến được công bố chính thức vào đêm 11-3 (giờ địa phương). Theo Thứ trưởng Kinh tế Ý Laura Castelli, các biện pháp hỗ trợ gia đình có thể bao gồm việc "ngừng khấu trừ các khoản thanh toán và đóng góp từ tiền lương" cho các quỹ thuế khác nhau của nước này.
Giới phân tích bày tỏ sự lo ngại đối với các biện pháp nêu trên khi khẳng định chúng có thể giáng một đòn trí mạng vào các ngân hàng đang chao đảo của Ý, gây rắc rối cho nền kinh tế nước này. Một số ngân hàng dự đoán kinh tế Ý có thể suy giảm 1% vì Covid-19 trong giai đoạn giữa tháng 4 và tháng 6.
Trong bối cảnh Covid-19 đang lây lan trên khắp cả nước, Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ hôm 10-3 thương lượng các biện pháp cứu trợ kinh tế nước này. Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, người dẫn đầu phái đoàn đàm phán đại diện Tổng thống Donald Trump, đã gặp gỡ Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi để bàn về thỏa thuận hỗ trợ "những công dân Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì Covid-19, cũng như những doanh nghiệp quy mô nhỏ và trung".
Theo Reuters, nội dung trọng tâm của gói cứu trợ kinh tế từ phía chính quyền Tổng thống Donald Trump là đề xuất giảm thuế thu nhập từ lương, song hiện vẫn chưa rõ mức độ và thời gian giảm.
Tính đến tối 10-3 (giờ địa phương), Covid-19 đã lây đến gần 75% các bang tại Mỹ, khiến 1.030 người nhiễm và 31 người tử vong.
Số ca nhiễm ở Hàn Quốc tăng vọt
Hàn Quốc hôm 11-3 ghi nhận số ca nhiễm virus corona chủng mới gây dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) tăng trở lại sau 5 ngày giảm liên tục.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho hay 242 ca nhiễm mới được ghi nhận trong ngày 10-3, nâng tổng trường hợp nhiễm lên 7.755. Khoảng 60 người đã thiệt mạng vì Covid-19 tại Hàn Quốc. Theo hãng tin Yonhap (Hàn Quốc), 93 trường hợp nhiễm mới liên quan đến một trung tâm hỗ trợ khách hàng qua điện thoại ở Tây Nam Seoul, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ lây nhiễm lan rộng trong khu vực có 25 triệu dân.
Bộ Y tế Indonesia cho biết ca tử vong đầu tiên do nhiễm Covid-19 tại nước này là một phụ nữ nước ngoài 53 tuổi. Hiện số ca nhiễm SARS-CoV-2 ở Indonesia là 26.
Trong nỗ lực ngăn dịch Covid-19 lây lan, giới chức Thái Lan hôm 11-3 quyết định tạm ngưng cấp thị thực tại chỗ đối với công dân của 18 quốc gia và vùng lãnh thổ, đồng thời tạm ngưng miễn thị thực cho người đến từ Hàn Quốc, Ý và Hồng Kông. Đến nay, Thái Lan đã ghi nhận ít nhất 59 ca nhiễm Covid-19. Theo tờ Bangkok Post (Thái Lan), Bộ Y tế Thái Lan cho biết trong số 6 ca nhiễm mới có 2 nhân viên xuất nhập cảnh tại sân bay Suvarnabhumi ở thủ đô Bangkok. Cả 2 đều có tiếp xúc với du khách nước ngoài và chạm vào hộ chiếu, hành lý của khách.
Xuân Mai
Bình luận (0)