Theo một số nguồn tin, Bắc Kinh tin rằng bước đi này giải quyết được những rắc rối ngoại giao ngay cả khi nước này hưởng lợi từ những tiết lộ của Snowden, nhất là ngăn được Trung Quốc và Mỹ rơi vào một cuộc tranh cãi kéo dài về số phận của “người thổi còi”.
Chính quyền Hồng Kông lâu nay vẫn khẳng định tiến trình tư pháp của nước này không lệ thuộc vào Trung Quốc. Tuy nhiên, giới quan sát tin rằng những vấn đề liên quan đến đối ngoại vẫn chịu sự ảnh hưởng của Trung Quốc và chính Bắc Kinh đã "gọi cú điện thoại cuối cùng" để Snowden ra đi.
Edward Snowden nhận được sự ủng hộ của không ít người dân Hồng Kông
Ảnh: Reuters
Ông Jin Canrong, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, nhận định: “Hồng Kông và Trung Quốc nhất định đã có một số hoạt động điều phối phía sau hậu trường chuyện này”. Theo ông, chính phủ Trung Quốc hài lòng với những tiết lộ của Snowden vì chúng giúp người dân nước này có cơ hội bài xích “thói đạo đức giả” của người Mỹ và hoạt động theo dõi. Tuy nhiên, về lâu dài, Bắc Kinh xem mối quan hệ với Washington quan trọng hơn cảm nhận của người dân trong nước và ở Hồng Kông về nhân vật này.
Một nhà phân tích giấu tên nhân định: “Giới chức Trung Quốc cảm thấy nhẹ nhõm khi Snowden rời đi bởi tâm lý chung của người dân đại lục và Hồng Kông là người này cần được bảo vệ. Tuy nhiên, Bắc Kinh không muốn có rắc rối trong quan hệ với Washington”.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 23-6 đề nghị Ecuador không chấp nhận đề nghị tị nạn của Snowden. Ngoài ra, Washington còn cảnh báo các nước ở “tây bán cầu” không được cho người này nhập cảnh. Bộ Tư pháp Mỹ cũng tỏ ra thất vọng trước việc Hồng Kông không bắt giữ Snowden.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh “rất lo ngại” trước tiết lộ của Snowden, theo đó Mỹ đã tấn công máy tính ở nước này. Tuyên bố của bộ này cho biết thêm Trung Quốc đã nêu vấn đề này với phía Mỹ.
Bình luận (0)